Vụ kiểm lâm bị tấn công ở Đồng Nai: Xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng
UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý dứt điểm, kịp thời các vụ phá rừng, khai thác rừng, xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp sau vụ 3 kiểm lâm bị lâm tặc tấn công.
Ngày 16/3, liên quan đến vụ các kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên bị nhóm lâm tặc tấn công gây thương tích, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tăng cường bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp chống người thi hành công vụ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện nội dung chỉ đạo của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp chống người thi hành công vụ; tiếp tục thực hiện nội dung chỉ đạo tại văn bản số 1992/UBND-THNC ngày 10/3/2023 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tổ chức thăm hỏi, khen thưởng, động viên 3 kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên bị thương trong quá trình thực thi công vụ tại Tiểu khu 42, thuộc địa bàn huyện Tân Phú vào ngày 2/3.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Lê Văn Gọi cho biết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa và huyện Long Khánh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-Ttg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; thông tri số 12-TT/TU ngày 20/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Chính quyền các địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn cấp huyện, thành phố, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp với đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng và đất lâm nghiệp; không lấn chiếm, khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật và các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng.
Các ngành chức năng xử lý dứt điểm, kịp thời các vụ phá rừng, khai thác rừng, xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và các trường hợp mới phát sinh, áp dụng ngay các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Các địa phương có cơ chế, chính sách đãi ngộ, kịp thời thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn ổn định tinh thần, yên tâm công tác; báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Đồng thời, các địa phương tổ chức kiểm điểm, thi hành kỷ luật và xử lý nghiêm các chủ rừng, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, không có biện pháp ngăn ngừa, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp đến người dân; lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các chương trình của địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ sở giáo dục; trang bị đầy đủ các phương tiện, công cụ hỗ trợ khi tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu vực trọng điểm, đảm bảo an toàn, không để bị động, bất ngờ trong đấu tranh, trấn áp và xử lý các hành vi vi phạm.
Chi cục kịp thời thăm hỏi, động viên, khuyến khích, có chế độ, chính sách hỗ trợ các công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bị các đối tượng vi phạm tấn công, gây thương tích trong khi thi hành công vụ.
[Đồng Nai: Khởi tố vụ án hình sự về hành vi chặt phá rừng phòng hộ]
Các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tập trung tuần tra, xác định các điểm nóng để kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ ban đầu, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ hiện trường, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, công tác giao khoán, tình hình quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp...
Các đơn vị chủ rừng quán triệt lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng... khi tiến hành tuần tra, phục đêm, truy quét; bảo đảm quân số khi thực hiện nhiệm vụ; không chủ quan khi đối đầu với các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Đồng thời, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, giám sát, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao quản lý; xác định khu vực có nguy cơ phát sinh lấn chiếm đất rừng hoặc khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật để có biện pháp ngăn ngừa; kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng về lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp; khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật; đồng thời kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong các quyết định xử lý vi phạm hành chính đã ban hành.../.
Nhận xét
Đăng nhận xét