(THPL) - Theo thống kê, Việt Nam đã nhập khẩu lượng gỗ tròn và gỗ xẻ tương đương 6,3 triệu m3 gỗ quy tròn với giá trị gần 2 tỷ USD trong năm 2022. Đây là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất để phục vụ cho nhu cầu chế biến của ngành gỗ.
Theo một báo cáo do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends công bố, năm 2022, có 41 quốc gia/vùng lãnh thổ tích cực cung hơn 3,8 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn cho Việt Nam. Trong cùng năm, 55 quốc gia/vùng lãnh thổ không tích cực (rủi ro) cung hơn 2,5 triệu m3 gỗ tròn và xẻ quy tròn cho Việt Nam. Xét theo nguồn gốc xuất xứ, luồng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ các thị trường tích cực và rủi ro chiếm trung bình lần lượt khoảng 65% và 35% tổng lượng nhập khẩu về Việt Nam.
Lượng nhập khẩu từ các thị trường tích cực đã tăng liên tục với mức tăng trung bình 5,6% trong giai đoạn trước năm 2022, từ mức 3,52 triệu m3 quy tròn năm 2018 lên 4,15 triệu m3 quy tròn năm 2021. Tuy nhiên, con số này bị sụt giảm mất 7,9% về mức 3,82 triệu m3 trong năm 2022.
Liên quan đến xuất nhập khẩu gỗ, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends nhận định, lý do sụt giảm lượng nhập khẩu từ các thị trường tích cực chủ yếu là do thị trường đầu ra xuất khẩu bị co giảm từ nửa cuối năm 2022. Cụ thể, các đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU do mức lạm phát cao ở các nước này khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm cầu.
Ngoài ra, do tâm lý doanh nghiệp trước đó cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid nên một lượng lớn gỗ nguyên liệu đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ năm 2021 để đón đầu xu hướng. Tuy nhiên, điều này không diễn ra, làm lượng gỗ nguyên liệu tồn trong nước ở mức cao. Hiện tại, các đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ đang giảm 50-60% so với trước đó.
Hiện nay, ngành gỗ đang đối mặt với các khó khăn về thị trường đầu ra sản phẩm và các rủi ro trong khâu nguyên liệu đầu vào. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cần có những hành động kịp thời trong thời gian tới để giảm thiểu các khó khăn và rủi ro này nhằm duy trì hoạt động và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp trong ngành cần duy trì tâm lý tích cực, tận dụng khoảng thời gian này để xem xét, tái cơ cấu lại mô hình kinh doanh hiện tại, qua đó nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội phát triển từ các thị trường mới. Đây là những bước chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp có thể đón nhận tín hiệu tốt của thị trường trong năm 2024.
Trong diễn biến liên quan, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu của các ngành hàng thực sự khó khăn do sức mua trên toàn thế giới giảm. Số đơn hàng giảm trên 60%, chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Như mọi năm đa số các đơn hàng ký từ đầu năm cho đến cuối thu nhưng năm nay chỉ nhận được đơn hàng 6 tháng đầu năm, đặc biệt số đơn hàng lớn rất ít.
Nguyên nhân do kinh tế suy thoái chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều thị trường lớn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng tập trung vào mua hàng hoá thiết yếu…
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng năm 2023 kinh tế thế giới sẽ không rơi vào suy thoái nặng nề. Một số nền kinh tế lớn sẽ hạ cánh mềm. Những tháng cuối năm 2023 kinh tế thế giới sẽ đi vào hồi phục và sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan. Khi đó sức mua, thương mại quốc tế sẽ sôi động hơn. Để đón đầu theo ông Phú, cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới trên thế giới thông qua các tham tán, thương vụ.
Tuấn Kiệt (t/h)
Nhận xét
Đăng nhận xét