Những ngày qua, dư luận Quảng Bình rất quan tâm đến thông tin 7 ha rừng tự nhiên bị đốt, phá ở giáp ranh 2 huyện miền núi, giữa xã Kim Hóa, Lê Hóa (H.Tuyên Hóa) và Hồng Hóa (H.Minh Hóa).
Theo tìm hiểu của Thanh Niên có tới 20 điểm rừng bị tàn phá ở khu vực này và hầu hết được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Lý do, ngoài do đường xa, địa bàn rộng, người dân không bảo vệ được, theo lãnh đạo xã Kim Hóa thì còn do… tết. Cụ thể, theo vị này vì trong dịp tết, bà con tập trung đón tết nên việc kiểm tra chưa được chu đáo.
Nhưng có điều gì đó "gợn gợn" khi tết lại là lý do được đưa ra để lý giải cho việc rừng bị đốt, phá. Đúng là những ngày trước, trong và sau tết thường làm người ta sao nhãng các công việc chính để vui xuân, đón tết. Nhưng theo quy định của nhà nước, nghỉ tết kéo dài chỉ vài ngày, trong khi để phá, đốt một diện tích rừng tự nhiên lên tới 7 ha thì với khoảng thời gian đó là không thể. Càng không thể đủ thời gian cho "lâm tặc" san ủi một con đường cho xe cơ giới vào rừng.
Chưa hết, tại hiện trường, ngoài những khu vực có dấu vết chặt phá đang còn mới thì nhiều khu vực đã bị phá trước đó từ lâu, bằng chứng là những gốc cây đã khô, cho thấy có dấu hiệu của việc phá rừng tại khu vực giáp ranh này đã diễn ra trong một thời gian dài. Điều này cũng đặt ra vấn đề: Liệu có xảy ra lỏng lẻo trong công tác quản lý bảo vệ rừng của những người dân được giao rừng, cũng như chính quyền và lực lượng kiểm lâm sở tại hay không?
Cho đến khi việc vỡ lở, để tránh việc "rừng chung… không ai khóc", chính quyền và ngành chức năng đã triển khai các bước, phối hợp với 2 xã Kim Hóa, Lê Hóa (H.Tuyên Hóa) và Hồng Hóa (H.Minh Hóa), tăng cường lực lượng ngăn chặn, không cho phá thêm, tiếp tục điều tra làm rõ, tìm những người liên quan, để xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ có điều rừng thì đã bị phá rồi. Và cũng xin đừng đổ lỗi cho tết…
Nhận xét
Đăng nhận xét