Tuần rừng những ngày giáp Tết
Tờ mờ sáng, anh Nhú thúc anh em dậy, chuẩn bị quân tư trang lên đường tuần rừng. Ngoài trời, gió rét căm căm, cái lạnh của núi đá như cắt da cắt thịt.
Xuyên rừng Kim Hỷ
“Anh em chuẩn bị đầy đủ đồ đạc, thêm quần áo ấm, đặc biệt phải mang theo lương thực đề phòng có sự cố phải ngủ lại trong rừng”, anh Đinh Duy Nhú, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Nà Dường thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kim Hỷ nhắc nhở anh em.
Ngoài 4 cán bộ của trạm Nà Dường, hôm nay đoàn tuần rừng có thêm anh Phan Tiểu Tuấn là Hạt phó Hạt kiểm lâm KBTTN Kim Hỷ và tổ tuần rừng của thôn.
Chúng tôi vượt qua 2km đầu tiên khá đơn giản, đường tuần rừng chủ yếu đi men theo núi đất quanh co sát những bản làng của đồng bào dân tộc Tày.
Bắt đầu bước chân vào rừng núi đá, đường đi hẹp dần, lởm chởm đá to, đá nhỏ, trên đỉnh đầu mây mù bao phủ. Chúng tôi leo núi khoảng 40 phút những cây gỗ nghiến cổ thụ đã bắt đầu xuất hiện.
Vừa nghỉ ngơi vừa ngắm những cây cổ thụ trong vùng lõi Khu bảo tồn Kim Hỷ anh Nhú tâm sự: Trạm kiểm lâm Nà Dường có 4 cán bộ (2 công chức kiểm lâm, 2 cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách) quản lý gần 5.000ha rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng.
Vào mùa hè, trời mưa nhiều đi tuần đã vất vả, thì mùa đông, những người giữ rừng lại đối mặt với khó khăn khác. Đó là cái lạnh buốt xương của vùng núi đá, vào buổi sáng sớm những ngày lạnh nhất chỉ khoảng 2-3 độ C, sương mù dày đặc, quần áo nhớp nháp pha lẫn mồ hôi và hơi nước.
Với 5.000ha được giao quản lý, 4 cán bộ trạm Nà Dường phải thay nhau cùng với các tổ tuần rừng ở thôn đi kiểm tra liên tục. Để đi được một vòng phải mất ít nhất 4 ngày.
Từ năm 2018 trở lại đây, tình hình chặt phá rừng được kiểm soát, anh em cũng đỡ vất vả hơn, chứ trước đây đi tuần gặp các đối tượng phá rừng, phải ngủ lại giữa rừng để xử lý xảy ra như cơm bữa.
Những lần chạm trán…
Khu bảo tồn Kim Hỷ có diện tích hơn 15.000ha, điển hình cho hệ sinh thái núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam, trải dài trên địa bàn 07 xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch thông của tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ có nhiều loại gỗ quý, khu bảo tồn này còn có trữ lượng vàng dưới lòng đất.
Từ những năm 2011 - 2016, Khu bảo tồn Kim Hỷ từng là điểm nóng về khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Những lần truy quét các điểm nóng trong khu bảo tồn như Lủng Mòn, Xạ Hang, Lủng Đẩy, Cốc Tỳ đã trở thành ký ức không thể nào quên với nhiều thế hệ cán bộ khu bảo tồn.
Trong ký ức của hạt phó Phan Tiểu Tuấn, cách đây 9 năm, những ngày giáp Tết Nguyên đán là những ngày gian nan của những người giữ rừng nơi đây. Kiểm lâm khu bảo tồn đã nhiều lần chạm chán lâm tặc, vàng tặc.
Anh Tuấn nhớ lại, gần tết năm 2013, anh em kiểm lâm nhận được tin báo các đối tượng đang chặt nghiến trái phép trong khu bảo tồn, anh em đã mật phục, khi đối tượng mang gỗ đến chân núi anh em lao ra không chế nhưng đối tượng manh động tẩu thoát. Hàng chục cán bộ kiểm lâm rượt đuổi theo bìa rừng, chỉ khi cán bộ kiểm lâm dùng công cụ hỗ trợ áp chế đối tượng mới chịu tra tay vào còng số 8.
Lại có năm, thời điểm giáp Tết, kiểm lâm đi truy quét vàng tặc, sau khi đi bộ nửa ngày đường phát hiện một nhóm đang mải miết đào vàng dưới lòng hang đá. Khi yêu cầu các đối tượng dừng khai thác để đưa máy móc, lán trại đi tiêu hủy lập tức 20 đối tượng mang theo gậy gộc vây xung quạnh 3 cán bộ kiểm lâm. Trước sự manh động của vàng tặc kiểm lân phải dùng súng AK lên đạn cảnh cáo, nhờ đó các đối tượng mới chịu rời đi.
Những năm trước đây, nguy hiểm nhất trong dịp truy quét cuối năm là khi đốt lán trại của các đối tượng khai thác vàng. Các đối tượng thường cất thuốc nổ trong lán, nếu kiểm tra không kỹ khi đốt có thể phát nổ. Hạt phó Phan Tiểu Tuấn và Trạm trưởng Đinh Duy Nhú cũng đã từng chứng kiến những tiếng nổ lớn khi đốt lán trại, sau này anh em rút kinh nghiệp khi đốt phải di chuyển ra xa nên chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào.
“Để có được thanh bình như hôm nay, nhiều thế hệ cán bộ Khu bảo tồn Kim Hỷ đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Bây giờ giữ rừng dịp cuối năm đỡ vất vả hơn xưa nhiều, nhờ có sự vào cuộc hỗ trợ của cộng đồng thôn bản, tình trạng chặt phá rừng, khai thác vàng trái phép đã không còn”, Hạt phó Đinh Tiểu Tuấn tâm sự.
Nhờ chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn nên người dân đã vào cuộc, không chỉ chấm dứt các hành vi vi phạm, người dân còn tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khu bảo tồn.
Nỗi niềm những ngày cận Tết
Tết này, Khu bảo tồn Kim Hỷ đã thực sự yên bình, nhưng đâu đó vẫn còn nỗi niềm của nhiều cán bộ làm công tác giữ rừng.
Với diện tích lên tới hơn 15.000ha, trong khi đó khu bảo tồn chỉ có 33 cán bộ, ngoài một số vị trí phục vụ, mỗi cán bộ phụ trách không dưới 500ha rừng đặc dụng.
Càng gần Tết Nguyên đán công tác tuần rừng càng phải siết chặt, mỗi lần đi tuần cũng phải 3 đến 4 ngày. Nhiều cán bộ thỉnh thoảng mới được về thăm gia đình. Vất vả là vậy nhưng do thay đổi chính sách, thu nhập của nhiều cán bộ còn thấp, nhiều người phải giảm lương khi chuyển từ ngạch kiểm lâm sang lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Anh Nguyễn Hữu Hướng đã công tác gần 30 năm trong lực lượng kiểm lâm, năm 2022, anh chuyển thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Trước khi chuyển thu nhập của anh Hướng đạt 12 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn được 8 triệu/tháng.
“Mình gắn bó với nghề đã lâu, cũng đã từng làm việc ở nhiều khu rừng đặc dụng, giờ chuyển về Khu bảo tồn Kim Hỷ, mỗi lần về thăm nhà cả đi cả về cũng hơn 200km, con thì đang học chuyên nghiệp nên thu nhập giảm đi cũng gặp nhiều khó khăn” anh Hướng tâm sự.
Cũng giống như anh Hướng, anh Triệu Văn Toản cũng đã công tác được 12 năm, trước đây khi còn là kiểm lâm viên thu nhập 8 triệu/tháng, nhưng nay khi chuyển sang lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách giảm xuống còn 5,8 triệu.
Đối với nhưng người đã công tác lâu lăm, lương giảm đã vất vả thì với những người mới tuyên dụng vào lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn khó khăn gấp bội. Tại Khu bảo tồn Kim Hỷ, nhiều cán bộ trẻ chỉ có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng.
Phụ trách Ban Quản lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Kim Hỷ, anh Lê Xuân Diệu cho biết: Công chức Kiểm lâm công tác tại khu bảo tồn không được hưởng 25% phụ cấp công vụ nên thiệt thòi hơn so với công chức ở các đơn vị quản lý nhà nước khác. Đối với viên chức ngạch Quản lý bảo vệ rừng viên và Kỹ thuật viên bảo vệ rừng được tuyển dụng từ ngày 01/01/2022 đến nay thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp ưu đãi như lực lượng công chức nên rất thiệt thòi, trong khi công việc lại hết sức khó khăn vất vả.
“Dù khó khăn, nhưng anh em cán bộ khu bảo tồn vẫn rất nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ban quản lý khu bảo tồn cũng sẽ cố gắng chăm lo Tết tốt nhất có thể cho anh em, có như vậy mọi người mới gắn bó, mới hoàn thành được công tác giữ rừng” anh Diệu cho biết thêm.
Bạn đang đọc bài viết Tuần rừng những ngày giáp Tết tại chuyên mục Xã hội của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét