Xuất khẩu viên nén, dăm gỗ trong năm 2022 tăng trưởng ấn tượng giúp xuất khẩu gỗ và sản phẩm ngoài gỗ tiếp tục lập kỷ lục mới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những thị trường chính của viên nén, dăm gỗ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2022 , ượng xuất khẩu viên nén đạt gần 4,38 triệu tấn, tăng 37,8% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 124,9% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021.
Giá trị xuất khẩu viên nén 11 tháng năm 2022 đạt 691,26 triệu USD, tăng 87,2% so với cùng kỳ 2021, tương đương gần 167,4% tổng kim ngạch của năm 2021.
Đáng chú ý, giá viên nén xuất khẩu trung bình đã tăng liên tục từ tháng 6/2021 và có dấu hiệu hơi chững lại trong giai đoạn từ tháng 6 - 9/2022 nhưng bật tăng trở lại và đạt đỉnh điểm là hơn 184 USD/tấn vào tháng 11/2022, tăng gần 70% so với mức giá của tháng 5/2022.
Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường chủ yếu của viên nén Việt Nam. Lượng viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm lần lượt 95,8% tổng lượng và 95,3% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của cả nước.
Nguyên liệu sản xuất dăm dỗ, viên nén chủ yếu là phụ phẩm của ngành gỗ. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến viên nén của Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: P. V
Hiện, cả nước có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ với giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên gần 700 triệu USD trong 11 tháng năm 2022. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới.
Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như: cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến.
Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Tương tự viên nén, năm 2022 ghi nhận sự "bùng nổ" trong xuất khẩu dăm gỗ. Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2022, lượng xuất khẩu dăm gỗ đạt 14,64 triệu tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2021, tương đương 107,6% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021.
Giá trị xuất khẩu dăm gỗ trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 2,57 tỷ USD, tăng hon 60% so với cùng kỳ 2021, tương đương 147,8% tổng kim ngạch của năm 2021.
Việc mở rộng kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian vừa qua chủ yếu là do mức giá xuất khẩu tăng mạnh. Theo đó, mức giá FOB xuất khẩu tăng từ khoảng 130 USD/tấn lên khoảng 200 USD/tấn vào giai đoạn tháng 8 đến tháng 10/2022.
Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch từ 2 thị trường này chiếm tới trên 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dăm của Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ chững lại, thì mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong 11 tháng năm 2022.
"Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới đang gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nhận xét
Đăng nhận xét