(Thanh tra)- Những năm gần đây, nhiều loại gỗ tự nhiên khan hiếm. Bên cạnh đó, Chính phủ đang cam kết mạnh mẽ loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cả nội địa và xuất khẩu. Kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu đóng vai trò quan trọng để thực hiện cam kết này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước và làng nghề truyền thống buộc phải tìm đến những nguồn gỗ hợp pháp với nguồn cung ổn định, bền vững.
Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ châu Phi - là nguồn cung rủi ro theo quy định của Việt Nam. Lượng gỗ này chủ yếu được đưa vào hệ thống làng nghề để tạo đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa. Dưới sức ép của chính sách, nhiều hộ làng nghề muốn chuyển đổi gỗ đầu vào từ gỗ rủi ro sang gỗ trong nước hoặc gỗ nhập khẩu ít rủi ro. Tuy nhiên, bản thân hộ làng nghề không thể tự chuyển đổi mà họ cần trợ giúp của Chính phủ và ngành.
Việt Nam hiện có trên 300 làng nghề gỗ, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Bắc bộ. Đây là nơi hội tụ của hàng trăm nghìn hộ gia đình hiện đang trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, tạo ra các sản phẩm gỗ đa dạng. Các làng nghề này hiện là kênh cung cấp sản phẩm quan trọng nhất cho thị trường nội địa.
Ở nhiều làng nghề, thu nhập từ các hoạt động sản xuất này vẫn là nguồn thu duy nhất của hộ gia đình. Điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng về kinh tế và xã hội của hệ thống làng nghề hiện nay, cũng như vai trò không thể thiếu của làng nghề trong việc duy trì thị trường nội địa.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm Đặng Thị Én, các hộ tại các làng nghề hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu gỗ rủi ro đầu vào.
Nhiều làng nghề hiện đang sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ tự nhiên quý như lim, hương, gõ đỏ, mun... được nhập khẩu từ các nước châu Phi, Lào, Campuchia. Lượng gỗ này mỗi năm lên tới hàng triệu m3. Đây là các loại gỗ được coi là có rủi ro cao về tính pháp lý theo tiêu chí quy định tại Nghị định 102/2020/NĐ- CP của Chính phủ.
Cũng theo bà Én, việc vẫn tiếp tục sử dụng nguồn cung gỗ rủi ro này sẽ đem lại một số bất ổn trong tương lai, như nguồn gỗ này càng ngày càng hiếm, các chính sách quản lý khai thác, chế biến và thương mại ngày càng chặt chẽ. Trong tương lai, nguồn cung này có thể sẽ giảm hoặc không còn nữa. Điều này sẽ gây ra tác động rất lớn tới sinh kế của hàng trăm nghìn hộ làng nghề.
Bà Én cũng cho biết, các hộ nhận thức được rằng chuyển đổi gỗ nguyên liệu đầu vào từ gỗ tự nhiên nhập khẩu rủi ro cao sang các loại gỗ nhập khẩu ít rủi ro hơn như thông, sồi, dẻ và gỗ rừng trong nước là xu hướng bắt buộc trong tương lai.
Việc chuyển đổi này cũng giúp Chính phủ thực hiện thành công các cam kết về kiểm soát hiệu quả gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ đã ký kết với Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Sử dụng gỗ nhập khẩu ít rủi ro và gỗ rừng trồng trong nước cũng giúp nâng cao hình ảnh cho ngành gỗ, thúc đẩy mở rộng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong ngành.
Sử dụng gỗ nhập khẩu ít rủi ro và gỗ rừng trồng trong nước giúp nâng cao hình ảnh cho ngành gỗ. Ảnh: LP |
Gần đây, đã hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) và các làng nghề phía Bắc là một điểm sáng. Trong mối liên kết này, Công ty TAVICO cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào để các hộ thay thế nguồn gỗ rủi ro, tư vấn công nghệ và cách thức quản lý, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, số lượng hộ thành công trong chuyển đổi vẫn còn rất thấp. Điều này cho thấy những khó khăn của các hộ trong việc tự chuyển đổi để tiếp cận được thông tin các quy định của Chính phủ về gỗ hợp pháp cũng như xu hướng thay đổi của thị trường về chủng loại sản phẩm đầu ra.
Để lan tỏa các mô hình này cần cơ chế, chính sách cũng như sự vào cuộc của các bên liên quan, bao gồm cả các doanh nghiệp của ngành gỗ.
Bà Én cho biết, mới đây, Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm, Hội Làng nghề mộc Liên Hà, Hội Làng nghề mộc Thuỵ Lân đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.
Để việc chuyển đổi thành công, các làng nghề đề nghị được hỗ trợ chuyển đổi như đào tạo, nâng cao tay nghề, đặc biệt là mảng thiết kế, marketing; thúc đẩy tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm sử dụng nguồn gỗ đã chuyển đổi; khuyến khích hình thành và mở rộng liên kết giữa các công ty và các hộ tại các làng nghề; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương hiệu làng nghề tại thị trường nội địa và quốc tế; phổ cập thông tin, kiến thức về quy định gỗ hợp pháp và xu hướng thị trường tới các hộ làng nghề; thực hiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để giảm dần các sản phẩm sử dụng gỗ tự nhiên...
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cần thiết giúp các làng nghề tham gia vào các mô hình liên kết với công ty, tiếp cận với các nguồn lực sẵn có để thúc đẩy việc chuyển đổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét