Từ cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Trị gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng và nhiều lao động phải nghỉ việc.
Công ty Cổ phần Lâm sản Cam Lộ ở Cụm Công nghiệp Tân Trang (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chuyên thu mua gỗ rừng trồng, rồi cưa xẻ gỗ thành phẩm, còn các phụ phẩm thì băm thành dăm.
Vào lúc cao điểm, ở công ty trên có 60 - 70 lao động, mỗi ngày chế biến 100 tấn gỗ tươi, cho ra khoảng 30 m3 gỗ ghép thanh và 65 tấn dăm gỗ. Đối với gỗ cưa xẻ thành phẩm, công ty xuất đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hoặc Bình Định; còn dăm gỗ thì bán lại cho các doanh nghiệp tại Quảng Trị, Đà Nẵng, Huế.
Đi vào hoạt động từ năm 2013, cũng có thời điểm gặp khó khăn vì giá cả hoặc dịch COVID-19, nhưng công ty vẫn hoạt động. Tuy nhiên, từ tháng 11.2022, do thiếu đầu ra, nên công ty phải hoạt động cầm chừng, và phải cắt giảm hơn 1 nửa công nhân.
Ông Nguyễn Quốc Thi – Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản Cam Lộ cho biết, do các đối tác không nhập hàng, nên tại công ty đang tồn 2.000 tấn dăm gỗ. Còn gỗ ghép thanh, công ty chấp nhận bán với giá rẻ vì không bảo quản được.
“Dăm gỗ thì tồn, máy móc thì để không. Để duy trì số lượng công nhân trụ cột, công ty phải vay mượn để chi trả lương, nên rất khó khăn” – ông Nguyễn Quốc Thi, nói.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) trước kia mỗi ngày sản xuất chế biến hơn 100 tấn gỗ dăm, thì nay giảm xuống còn 20 tấn.
Công suất giảm, lượng lao động cũng phải giảm theo, nguyên nhân là vì từ cuối năm 2022 dăm gỗ không xuất đi được.
“Giá rẻ, lại không có đối tác thu mua, nên hiện công ty chỉ hoạt động cầm chừng để giữ chân lao động” – đại diện Công ty TNHH MTV Nguyễn Tuấn Hoàng, thông tin.
Ông Võ Thái Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp gỗ tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, hiện 80% gặp khó khăn về đầu ra, hoặc đầu ra giá rất thấp. Dẫn đến việc, các doanh nghiệp cắt giảm người lao động, không thu mua vào.
Vào năm trước, giá gỗ rừng trồng tươi thu mua vào có thời điểm cao 1,5 triệu đồng/tấn, nhưng nay giảm xuống hơn 900 nghìn đồng/tấn nhưng vẫn không thu mua được vì không xuất bán được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay, lãi suất cao.
“Hiện chưa biết lúc nào, đầu ra sẽ ổn định trở lại. Nên các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động” – ông Võ Thái Hiệp, cho biết.
Tại tỉnh Quảng Trị có diện tích rừng trồng lớn. Khi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ gặp khó vì không có đầu ra, đồng nghĩa với việc người dân trồng rừng cũng gặp khó vì giá gỗ rừng trồng xuống thấp và không có người thu mua.
Nhận xét
Đăng nhận xét