TTH - Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.
Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Sự kiện diễn ra trong thời điểm các cơ quan, ban ngành chức năng của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đang nỗ lực gỡ thẻ vàng cảnh báo với thủy sản khai thác Việt Nam, do Ủy ban châu Âu đưa ra cách đây hơn 5 năm, với rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Thẻ vàng cảnh báo với thủy sản Việt Nam của Ủy ban châu Âu, do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý... Để tháo gỡ thẻ vàng, tránh nguy cơ thẻ đỏ, Việt Nam phải hoàn thiện thể chế quản lý, quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng, thực xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài... Dự kiến, tháng 6 tới, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Lần kiểm tra tới đây có tính chất rất quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam. Kết quả rất cần sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành chức năng và cả ngư dân.
Cũng như thủy sản, châu Âu là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm; trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này trị giá khoảng 650 - 700 triệu USD/năm, tập trung chủ yếu vào các nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italia...
Được biết, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của châu Âu mỗi năm ước tính trị giá khoảng 80 - 85 tỷ USD. Song, dự luật này không chỉ nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ, mà còn nhằm ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi. Theo đó, Liên minh châu Âu yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh được quy trình sản xuất đậu tương, thịt bò, dầu cọ, cacao, cà phê, cao su, các sản phẩm từ gỗ kể cả bìa carton… nhập khẩu vào châu Âu không phải là kết quả của việc chặt phá cây rừng, phá rừng để có thêm đất đai canh tác, chăn nuôi...
Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã được ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương trong cả nước quan tâm. Đặc biệt là trồng mới, chăm sóc rừng được đẩy mạnh, với hàng trăm ngàn ha rừng được trồng mới mỗi năm. Song, công tác quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra dai dẳng tại nhiều địa phương.
Số liệu công bố về hiện trạng rừng Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, nguyên nhân gần một nửa trong số này là do bị chặt phá trái phép. Riêng trong năm qua, số vụ vi phạm về lâm nghiệp khoảng 1.220 vụ.
Việc quản lý, bảo vệ nguyên trạng rừng tự nhiên; đồng thời, quy hoạch đất rừng để trồng rừng nguyên liệu cũng như trồng trọt và chăn nuôi hiện nay là vấn đề cần được chủ động, không chỉ đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét