Nhiều thách thức đối với quá trình tái cấu trúc của Gỗ Trường Thành cũng như đà hồi phục cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Quá trình tái cấu trúc Gỗ Trường Thành thêm thách thức sau khi ông chủ thương hiệu nội thất Phố Xinh rút lui. Ảnh: Lê Toàn |
Bỏ ngỏ khả năng hợp tác
Sau gần 3 năm tham gia quá trình tái cấu trúc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành), cuối tháng 2 vừa qua, ông Dương Quốc Nam đã nộp đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT độc lập Gỗ Trường Thành nhiệm kỳ 2022 - 2027 với lý do bận công việc cá nhân, không sắp xếp được thời gian để đảm nhiệm công việc được phân công.
Ngoài Gỗ Trường Thành, ông Nam còn là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Hoàng Nam Group - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nội thất Phố Xinh. Hoàng Nam Group đang cộng tác với khoảng 70 thương hiệu nội thất quốc tế, trong đó có Natuzzi (Italia). Công ty thành viên của Natuzzi là Natuzzi Singapore đã được Gỗ Trường Thành mua lại 20% vốn điều lệ vào năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành chia sẻ, Công ty đang bắt tay Phố Xinh để mở rộng các showroom lớn tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thông qua thương hiệu gỗ Casadora và tham gia phân khúc đồ gỗ cao cấp nội địa.
Tuy nhiên, trước việc ông Dương Quốc Nam chia tay Gỗ Trường Thành, khả năng hợp tác giữa Gỗ Trường Thành và Hoàng Nam Group vẫn đang bỏ ngỏ.
Quá trình tái cấu trúc còn nhiều khó khăn
Tháng 6/2019, Gỗ Trường Thành bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín vào vị trí Chủ tịch HĐQT và thực hiện tái cấu trúc Công ty một cách toàn diện. Cũng trong năm 2019, Gỗ Trường Thành hoàn tất việc sáp nhập với Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh, tăng vốn điều lệ, ra mắt thương hiệu nội thất Casadora.
Năm 2021, Công ty tiếp tục phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.111,98 tỷ đồng. Hiện Gỗ Trường Thành đang lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu, với mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Bên mua là Công ty cổ phần Marina 2.
Việc sáp nhập với Sứ Thiên Thanh, tăng vốn bằng các đợt phát hành riêng lẻ với đợt hoán đổi nợ thành cổ phiếu và đặc biệt trong năm 2022 được gia hạn khoản người mua trả tiền trước từ ngắn hạn sang dài hạn với giá trị 1.032,3 tỷ đồng đã giúp Gỗ Trường Thành không còn mất cân đối dòng tiền.
Được biết, khoản người mua trả tiền trước là khoản tiền mà Vinhomes trả tiền trước theo thỏa thuận nguyên tắc ngày 15/5/2017 chỉ định Gỗ Trường Thành là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ phục vụ dự án của Vingroup và công ty con, với tổng giá trị dự kiến 16.000 tỷ đồng. Vingroup và các công ty con đã đặt cọc số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng. Gỗ Trường Thành cho biết, vào ngày 15/5/2022, hai bên đã gia hạn thỏa thuận tới ngày 15/5/2027, vì vậy, Công ty đã thay đổi kỳ hạn ghi nhận từ ngắn hạn sang dài hạn.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Gỗ Trường Thành từ năm 2018 tới năm 2022 chưa thực sự khởi sắc. Dù đã “thay máu” cổ đông lớn và lãnh đạo mới cũng thể hiện quyết tâm tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi của Gỗ Trường Thành vẫn liên tục thua lỗ từ năm 2018 tới nay. Cụ thể, năm 2018 lỗ 970,2 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 889,4 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 53,1 tỷ đồng; năm 2021 lỗ 78,4 tỷ đồng; năm 2022 tiếp tục lỗ thêm 59,23 tỷ đồng. Công ty có lãi trong năm 2020, năm 2021 và năm 2022, nhưng không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.
Năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín khẳng định: “Công ty đã đi qua điểm hoà vốn và từ bây giờ là giai đoạn tăng trưởng”.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng. Kết thúc năm tài chính 2022, Công ty chỉ ghi nhận lãi 6,02 tỷ đồng, hoàn thành 8,3% kế hoạch lợi nhuận.
Tính tới ngày 31/12/2022, Gỗ Trường Thành vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 3.041,82 tỷ đồng, bằng 73,97% vốn điều lệ và cổ phiếu tiếp tục nằm trong danh sách cảnh báo của HoSE do lợi nhuận luỹ kế vẫn là số âm, chưa xóa được lỗ lũy kế.
Công ty đang đối mặt với sức cầu yếu ở cả thị trường nội địa và quốc tế do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế chậm lại, dòng vốn bị siết chặt khi lãi suất ngày một tăng cao, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc xoay nguồn tiền để thực hiện cam kết trả nợ cho trái chủ cũng như triển khai các dự án hiện hữu và dự án mới. Điều này sẽ ảnh hưởng tương đối lớn tới nhu cầu nội thất trong thời gian tới.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh không như kỳ vọng, từ ngày 28/11 đến 21/12/2022, ông Mai Hữu Tín đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ mua 5,26 triệu cổ phiếu, đạt tỷ lệ 52,6%. Đáng chú ý, cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành vừa trải qua chuỗi bán tháo, giảm mạnh. Cụ thể, từ ngày 19/3/2022 đến ngày 23/12/22022 giảm tới 74,9%, từ 17.200 đồng/cổ phiếu về 4.320 đồng/cổ phiếu và ngày 8/3 còn 4.210 đồng/cổ phiếu.
Những diễn biến trên là thách thức lớn đối với đà hồi phục của cổ phiếu TTF trong thời gian tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét