Sóc Trăng: Nuôi thủy sản dưới tán rừng, nông dân bắt con vọp, ốc len, cá thòi lòi lên khỏi bờ là bán hết sạch
Để bảo vệ rừng hiệu quả, tránh các trường hợp chặt phá cây rừng và ngăn chặn việc săn bắt các loài thủy, hải sản sinh sống dưới tán rừng, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã thành lập nhiều tổ trồng, bảo vệ rừng, các nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, trong đó có nuôi con vọp, con ốc len, cá thòi lòi...
Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hơn 1.787ha, tập trung tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông, Đại Ân 1…
Để bảo vệ rừng hiệu quả, tránh các trường hợp chặt phá cây rừng và ngăn chặn việc săn bắt các loài thủy, hải sản sinh sống dưới tán rừng, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung đã thành lập nhiều tổ trồng, bảo vệ rừng và các nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Các tổ, nhóm này được các đơn vị chuyên môn cùng các tổ chức, chương trình, dự án hỗ trợ giống thủy sản phát triển nuôi dưới tán rừng, đã tạo sinh kế bền vững tại hộ.
Vừa là thành viên Tổ trồng và bảo vệ rừng, đồng thời cũng tham gia Nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, anh Trần Văn Khỏe, xã An Thạnh 3 chia sẻ: “Tôi vào Tổ trồng và bảo vệ rừng năm 2020 trong thời điểm hộ dân tham gia bảo vệ rừng được các đơn vị liên quan hỗ trợ giống vọp, ốc len để nuôi dưới tán rừng...".
Theo đó, anh Khỏe cũng đã nhận được số vọp, ốc len với tổng số lượng hơn 3,7 tấn, trong đó vọp 3 tấn và 700kg ốc len. Vọp, ốc len nuôi trong khoảng thời gian 4 tháng đã cho thu hoạch, thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng trong năm.
Hiện tại, anh Khỏe vẫn tiếp tục duy trì nuôi vọp, ốc len dưới tán rừng với diện tích 2ha, với số lượng ốc len hơn 700kg và vọp là 3 tấn do Dự án ICRSL hỗ trợ.
"Tính từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 600kg ốc len, giá bán 80.000 đồng/kg, số tiền bán ốc len hơn 30 triệu đồng và sau tết Nguyên đán năm 2023 mới thu hoạch hết số lượng ốc len giống được hỗ trợ. Riêng với vọp, tầm 2 tuần nữa đạt trọng lượng xuất bán ra thị trường, ước sản lượng vọp là 6 tấn, giá bán 30.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 18 triệu đồng”, anh Khỏe nói.
Anh Trần Văn Khỏe, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) khoe số lượng con vọp được nuôi dưới tán rừng lớn nhanh sau 2 tháng nuôi. Ngoài con vọp, con ốc len, những hộ gia đình như anh Khỏe còn khai thác cá thòi lòi...Ảnh: THÚY LIỄU.
Theo lời anh Khỏe chia sẻ thì việc nuôi vọp, ốc len dưới tán rừng không tốn chi phí thức ăn và khâu chăm sóc, bởi vọp, ốc len sinh sống dưới tán rừng có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cung cấp hàng ngày nên chúng phát triển rất tốt.
Để bảo vệ số lượng thủy sản thả nuôi dưới tán rừng, hộ dân chỉ cần bao lưới xung quanh diện tích nuôi thủy sản và chờ đến ngày thu hoạch.
Cùng với đó, nhằm duy trì tốt mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, ngoài sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan và các dự án, hộ dân cũng tự mua thêm con giống về thả nuôi, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình.
Ngoài nuôi thủy sản dưới tán rừng, nhiều hộ dân tham gia bảo vệ rừng còn đặt lú hay giăng lưới bắt một số loại thủy sản được cho phép đánh bắt dưới tán rừng, kiếm thêm thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, số tiền trên đủ cho gia đình trang trải hàng ngày.
Bắt hàng chục con ốc len đưa chúng tôi xem thử độ lớn của ốc sau 3 tháng nuôi, chị Trần Ánh Nguyện, xã An Thạnh 3 tâm tình: “Năm 2020, gia đình tôi được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới hỗ trợ nuôi vọp, ốc len dưới tán rừng đem về nguồn thu nhập tốt. Thông qua mô hình trên, tôi vẫn duy trì nuôi vọp, ốc len cho đến hiện tại.
Trong năm 2022, gia đình tôi tiếp tục được Dự án ICRSL hỗ trợ 550kg ốc len, 250kg ba khía để gây nuôi dưới tán rừng. Ba khía tầm 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, ước 25 con/kg, còn ốc len đến tháng 4/2023 mới thu hoạch. Theo tôi tính, với số lượng ốc len và ba khía như trên sau thu hoạch bán được số tiền hơn 20 triệu đồng (4 tháng nuôi).
Dự kiến với số tiền bán ốc len và ba khía, tôi mua thêm vọp, thòi lòi thả nuôi, tạo sự đa dạng trong mô hình nuôi thủy sản tại hộ, đặc biệt là góp phần tăng thu nhập cho gia đình, giúp chúng tôi yên tâm khi tham gia vào Tổ trồng và bảo vệ rừng”.
Ông Trần Văn Mới - Trưởng nhóm nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, xã An Thạnh 3 chia sẻ: “Mô hình nuôi các loại thủy sản dưới tán rừng như: vọp, ốc len, ba khía, thòi lòi… được phát triển nuôi từ năm 2019.
Diện tích thí điểm nuôi đầu tiên tại hộ nuôi là 2.000m2, hiện tại, diện tích nuôi thủy sản tăng lên 10ha, trong tổng số hơn 97ha diện tích rừng tại xã An Thạnh 3.
Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng có diện tích ngày càng mở rộng là nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án và các ban, ngành liên quan cùng các cấp chính quyền tạo điều kiện, để hộ dân tham gia bảo vệ rừng và hộ dân sinh sống ven rừng có thêm nguồn thu nhập, nhất là các hộ không đất sản xuất, nhằm tạo việc làm thường xuyên và nguồn sinh kế bền vững tại hộ”.
Cũng theo ông Mới, thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, ngoài số lượng thủy sản được một số dự án, tổ chức hỗ trợ, hộ dân có mua thêm con giống thả nuôi nên tạo ra nguồn thu nhập hàng tháng từ 2 - 3 triệu đồng/hộ.
Thấy được hiệu quả mô hình nuôi thủy sản nhẹ chi phí đầu tư, thủy sản không dịch bệnh, không cần chăm sóc nhiều nhưng lợi nhuận sau thu hoạch cao, hộ dân trên địa bàn xã An Thạnh 3 đã đăng ký mở rộng diện tích nuôi thủy sản dưới tán rừng 50ha và đang chờ ngành chuyên môn cho ý kiến.
Thông qua việc nuôi thủy sản dưới tán rừng cho thấy, đây là mô hình sinh kế bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng và hộ dân sống ven rừng.
Mô hình nuôi thủy sản phát triển sẽ là hướng đi hiệu quả của người dân vùng ven biển, bởi vừa nâng cao đời sống, vừa bảo vệ phát triển rừng, hạn chế tác động biến đổi khí hậu như triều cường, nước biển dâng…
Đây cũng có thể là mô hình kết hợp du lịch sinh thái, phục vụ khách tham quan rừng, góp phần tăng thu nhập cho bà con nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Nhận xét
Đăng nhận xét