(Chinhphu.vn) - Liên quan đến góp ý của ông Nguyễn Trường Cửu (Bạc Liêu) về bất hợp lý trong quy định xin xác nhận sản phẩm làm từ gỗ tự nhiên, gỗ nhập khẩu và việc lập sổ ghi chép đối với các cơ sở kinh doanh đồ gỗ theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT, Bộ NN&PTNT tiếp tục có thông tin phản hồi về góp ý này.
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chỉ quy định các loại gỗ phải thực hiện xác nhận nguồn gốc lâm sản, không quy định xác nhận nguồn gốc đối với sản phẩm gỗ hoàn chỉnh.
Ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2023, thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT. So với dự thảo thông tư lấy ý kiến, Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT có quy định như sau:
Khoản 3 Điều 5 của Thông tư quy định sản phẩm gỗ hoàn chỉnh không thuộc đối tượng phải xác nhận Bảng kê lâm sản (trừ trường hợp theo yêu cầu của chủ lâm sản).
Điểm h Khoản 7 Điều 5, Khoản 4 Điều 20, Điểm c Khoản 8 Điều 32 của Thông tư chỉ quy định đối tượng lập Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản và thực hiện chế độ báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản là tổ chức, hộ kinh doanh.
Chinhphu.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét