Năm 2022, Quảng Nam triển khai bước đầu cho ý tưởng đưa khách du lịch đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh với tên rất lạ: Tour "Tuần tra bảo vệ rừng". Đây là một trong những phương cách bảo vệ rừng mới lạ, bền vững.
Để thử nghiệm tour "Tuần tra bảo vệ rừng", đích thân Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Trí Thanh đi khảo sát cùng lực lượng kiểm lâm, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành để xúc tiến.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và trên 108.000ha vùng đệm, là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi của Việt Nam có diện tích lớn, cây gỗ to, sinh cảnh phong phú và đa dạng sinh học, thuộc bậc nhất Đông Nam Á. Khu bảo tồn này trải rộng trên địa bàn các huyện Nam Giang, Phước Sơn và giáp biên giới Lào.
Với những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp, những thác nước hùng vỹ, những mặt hồ huyền bí giữa rừng... là những sinh cảnh tuyệt vời cho loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá và mạo hiểm.
Ông Lê Trí Thanh hào hứng cho biết, đưa hình thức du lịch trải nghiệm vào khu bảo tồn thiên nhiên nhiên Sông Thanh không chỉ phù hợp với xu thế du lịch hiện nay mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ rừng.
"Quảng Nam là địa phương còn khá nhiều rừng nguyên sinh, nhưng thực trạng phá rừng, xâm hại môi trường, khai khoáng trái phép vẫn xảy ra liên tục, nóng bỏng. Rừng rộng, kiểm lâm mỏng là một trong những nguyên nhân gây mất rừng. Vì vậy, cùng với việc thành lập lực lượng bảo vệ rừng, vận động người dân trồng cây lấy gỗ làm nhà, UBND tỉnh Quảng Nam còn mở tour du lịch "Tuần tra bảo vệ rừng" nhằm hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn, đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trở thành Vườn Quốc gia Sông Thanh. Về với núi rừng, chắc chắn con người sẽ yêu thiên nhiên và có trách nhiệm với môi trường nhiều hơn" - ông Thanh kỳ vọng.
Khi tham gia tour "Tuần tra bảo vệ rừng" cùng với kiểm lâm, du khách còn được "thực thi" các quyền phản ánh, phê phán các hoạt động xâm hại môi trường, phá rừng, khai khoáng bất hợp pháp - nếu phát hiện.
Du khách còn tìm hiểu, tham gia gỡ bẫy thú rừng, được giới thiệu về các mỹ tục truyền thống, về bảo vệ rừng, tôn sùng tự nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở đây...
Kiểm lâm sẽ không còn "cô độc" tuần tra trên đường rừng, và du khách đến với rừng, với sông núi thì sẽ yêu thiên nhiên hơn. Họ cũng chính là những tuyên truyền viên, những đại sứ du lịch để lan tỏa, truyền thông tốt về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Chắc chắn đây sẽ là hướng du lịch hấp dẫn với nhiều du khách thích khám phá, mạo hiểm.
"Du lịch có trách nhiệm" là một khái niệm không mới, đã từng đặt ra ở nhiều diễn đàn, trong các dự án, phương hướng phát triển du lịch của nhiều địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch cộng đồng. Và đây là cách làm sáng tạo và khá thú vị của Quảng Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét