Ngày 18.3, một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết tình trạng chặt phá rừng đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao (viết tắt Công ty Đắk N'Tao) thuộc 2 huyện Đắk Glong và Đắk Song.
Theo chân tổ công tác của Công ty Đắk N'Tao thực hiện tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng thuộc địa bàn đơn vị này quản lý, PV Thanh Niên ghi nhận tại khu vực tiểu khu 1668 xã Quảng Sơn (H.Đắk Glong) rất nhiều cánh rừng bị chặt phá và đốt trụi. Hàng trăm cây rừng đã bị đốn hạ; nhiều cây có đường kính hàng chục centimet chết khô, nằm ngổn ngang giữa đồi. Theo quan sát của PV, cây rừng đều bị đốt trụi chứ không có dấu hiệu cưa xẻ để khai thác gỗ. Kế đó là lán trại của một gia đình dân tộc H'Mông được dựng lên.
Xác nhận ban đầu, khu vực rừng bị phá thuộc 4.000 ha rừng do Công ty Đắk N'Tao quản lý; trong đó chỉ có khoảng 2.700 ha đất có rừng, phần còn lại đều bị người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Ông Phùng Văn Kiên, Phó giám đốc Công ty Đắk N'Tao, thừa nhận tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn đang rất "nóng". Hiện khu vực rừng do đơn vị quản lý đang hình thành 3 nhóm người di cư tự do sinh sống và canh tác, dẫn đến tình trạng chặt phá rừng để làm nương rẫy. "Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc, có biện pháp giải tỏa, di dời người dân ra khỏi rừng. Chỉ khi đó tình trạng phá rừng mới có thể kiểm soát", ông Kiên nói.
Làm việc với Bộ NN-PTNT mới đây, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cũng nhìn nhận tình trạng dân di cư tự do ở tỉnh còn nhiều. Do đó, việc phá rừng, chiếm đất cũng nhiều, đã trải qua nhiều thời kỳ. Theo thống kê, dân số Đắk Nông đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm thành lập tỉnh (năm 2004) nên áp lực về đất đai và giữ rừng là rất lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét