Như Thanh phát triển rừng trồng gỗ lớn góp phần tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
(Baothanhhoa.vn) - Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường... các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng và người dân huyện Như Thanh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng (BVR) gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Thái.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh Lê Kim Du cho biết: Để BVR tận gốc, hạt đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành các văn bản thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các giải pháp chủ động BVR; tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển rừng gỗ lớn, góp phần tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp.
Hiện nay huyện Như Thanh có 37.345,37 ha rừng, trong đó có 22.660,33 ha rừng trồng, diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Đến tháng 3-2023 các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước trên địa bàn huyện đã trồng mới được 3.782,5 ha rừng gỗ lớn; chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 448,5 ha; khoanh nuôi, phục tráng 92,9 ha rừng lim xanh. Hàng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng.
Huyện Như Thanh đề ra mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng và giá trị rừng trên một đơn vị diện tích, tạo đột phá trong phát triển lâm nghiệp cả về năng suất, chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình; thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn nói chung và lâm nghiệp nói riêng. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 trồng mới rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh với tổng diện tích hơn 8.000 ha. Để tạo điều kiện cho các đơn vị, người dân thực hiện tốt mục tiêu trên, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn; khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh. Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn.
Thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đảm bảo cơ bản gỗ rừng trồng được chế biến sâu, góp phần tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm từ rừng, huyện Như Thanh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, giải quyết khó khăn cho Nhân dân trồng rừng và BVR đạt hiệu quả cao. Mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng; tuyên truyền để người dân trong vùng hiểu được ưu điểm nổi bật của cây nuôi cấy mô như phát triển nhanh, đều, sinh khối gỗ cao hơn, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp; vận động chủ rừng đầu tư mở rộng diện tích trồng mới rừng và trồng lại sau khai thác bằng cây nuôi cấy mô. Phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nghĩa vụ, quyền lợi của chủ rừng và lợi ích từ rừng mang lại, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng của mỗi người dân. Huy động các nguồn lực phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn. Đẩy mạnh hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huy động các nguồn lực lồng ghép để tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn... Kêu gọi một số doanh nghiệp làm việc với các chủ rừng trên địa bàn để liên kết đầu tư từ khâu áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng theo hướng thâm canh; chọn cây giống cho năng suất cao, chất lượng gỗ tốt; khai thác đúng quy trình kỹ thuật... thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, để sớm được Tổ chức Quản lý rừng bền vững quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Sau khi được cấp chứng chỉ giá trị gỗ sẽ được nâng lên, có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế.
Bài và ảnh: Thu Hòa
Nhận xét
Đăng nhận xét