(KTSG) – Không giống như tâm trạng chờ đợi chiếc lá thường xuân duy nhất còn lại rụng đi của cô gái Johnsy đau yếu trong câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O’Henry, nhưng tôi cũng đã chờ trông từng ngày hai cây bằng lăng trắng trước ngõ nhà của mình trút sạch lá để lại được thấy cái đẹp của một cội cây trơ cành hiếm có ở vùng đồng bằng.
Năm nào tôi cũng luôn chờ đến mùa thay lá của hai cây bằng lăng di thực. Sau Tết không lâu, lá bằng lăng chuyển vàng dần thay thế cho màu lá xanh già cỗi, rồi từ màu vàng sẽ chuyển dần sang màu đỏ rồi dần rụng mãi đến trơ cành – những sắc màu tuyệt đẹp của mùa thay lá kéo dài đến gần ba tháng.
Vẫn chưa hết, chỉ sau một tuần trút lá, sáng ra đã thấy những lộc nõn tua tủa ở đầu cành để rồi chỉ vài ba ngày sau lá non màu vàng chanh phơn phớt hồng đã đơm dày cành nhánh, mở màn một mùa lá mới, một sức sống mới của cây!
Nét đẹp của vài cây bằng lăng này chỉ là một lát cắt nhỏ hay đúng hơn, chỉ là một chấm nhỏ trong cái biển rừng khộp ở Tây Nguyên mà nếu ai một lần được nhìn thấy trong mùa thay lá sẽ nhớ mãi, sẽ bớt than tiếc sao đất nước giàu có rừng của ta lại thiếu những sắc vàng – đỏ – xanh của rừng cây mùa thay lá đầy kiều mị ở các nước phương Bắc, phương Tây. Vì di thực từ Tây Nguyên về vùng đồng bằng hạ nguồn, chỗ quê tôi, sự chênh lệch về tiết mùa nắng – mưa, khiến mùa thay lá của cây bằng lăng nhà tôi có lẽ sớm hơn nơi bản quán của chúng.
Rừng khộp! Tôi đã dừng xe trên những cung đường hun hút, vắng vẻ ở Ia Pa, ở Krông Pa, ở Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) để ngắm nhìn lần đầu với niềm thích thú cùng nỗi thắc mắc khi thấy những cánh rừng cây không lá. Rồi những dịp tình cờ trở lại, tôi lại thấy chúng lần lượt được nhuộm vàng nhuộm đỏ mênh mang mới trải nghiệm được đâu là vẻ đẹp của rừng khộp.
Ra là rừng khộp không “nghèo” như cách gọi của người Lào mà ngược lại thật đẹp, thật giàu. Cư dân Lào có lẽ đã dùng tên rừng khộp là rừng nghèo để đối sánh với những cánh rừng đại ngàn thường xanh giàu có những loại cây gỗ lớn mọc dày là loại hình rừng chính của xứ sở triệu voi của họ.
Lần đến thăm con voi nuôi Yã Tâu của ông Ksor Chăm ở Chư Mố bên mảng rừng khộp sát bên dòng sông Tul (huyện Ia Pa) đã cho tôi hiểu rõ hơn sự quý giá của gỗ rừng khộp. Cà chít, hương, cẩm lai, dầu… là những thứ gỗ quý của rừng khộp đã được Yã Tâu kéo về cho người trong vùng làm nhà cửa từ bao năm trước nay vẫn còn nguyên độ bền chắc.
Con đường đến chỗ con Yã Tâu ngang qua bạt ngàn rẫy sắn chính là những rừng khộp trước đó, cũng theo lời ông chủ Chăm. Nhìn vùng rừng khộp còn lại nơi chon von sườn núi ở bên kia sông Tul mới thấy rừng khộp ở đây ngày trước hùng vĩ xiết bao. Lại thấy tiếc cho vùng rừng khộp ở đây đã bị thu hẹp quá nhiều!
Đi xem những vùng mía mới ở xã Pờ Tó (Ia Pa) lúc những cung rừng khộp kề bên đang mùa xanh lá tôi lại thấy con số trừ của rừng khộp lại lớn thêm lên, tiếc thay, lại là con số trừ vĩnh viễn cho hệ rừng vốn được gọi là nghèo này. Những vùng mía xanh ngút ngàn mùa đầu này chính là vùng rừng khộp vừa bị triệt hạ!
Đã mấy năm qua tôi chưa trở lại Tây Nguyên, lại thấy nhớ những vùng rừng khộp mình đã đi qua. Những cơn mưa đầu mùa của cao nguyên nay vừa mới đến, chừng non tháng nữa mưa chắc sẽ dày hơn. Những vùng rừng khộp còn lại chắc đang trở mình đầy rạo rực để bừng lên mùa lá mới. Từ màu xanh phớt vàng và hồng của vài cây bằng lăng của mình, một biển xanh mùa lá non của rừng khộp lại hiển hiện với tôi. Đẹp lắm, sự đánh thức diệu kỳ của hạt nước đầu mùa mưa nơi cao nguyên rừng khộp.
Mong sao cho rừng khộp còn lại sẽ không bị những dấu trừ đáng tiếc cắt xén thêm nữa, để giữ lại được những loại gỗ quý, giữ lại được những sắc màu của mùa thay lá tuyệt đẹp của rừng khộp!
Nhận xét
Đăng nhận xét