Năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ của xuất khẩu dăm gỗ với lượng lên đến 1,1 triệu tấn/tháng. Nhật Bản, Trung Quốc mua tới 95% lượng dăm gỗ của Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Forest Trends thực hiện, năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ của xuất khẩu dăm gỗ cả về lượng và giá trị.
Theo đó, tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu trong năm 2022 đạt 15,81 triệu tấn, tăng 16,21% so với 2021. Giá trị xuất khẩu đạt gần 2,79 tỷ USD, tăng hơn 60% so với 2021.
Lượng và kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh kể từ tháng 3 và đạt đỉnh vào tháng 8, sau đó có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì trên 1,1 triệu tấn/tháng về lượng và trên 220 triệu USD/tháng về kim ngạch.
Theo chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc mở rộng kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian vừa qua chủ yếu là do mức giá xuất khẩu tăng mạnh. Theo đó, mức giá trung bình năm 2022 đã tăng 38,06% so với năm 2021. Mức giá FOB xuất khẩu tăng từ khoảng 130 USD/tấn hồi đầu năm lên mức kỷ lục hơn 200 USD/tấn vào giai đoạn tháng 8- tháng 10/2022. Tuy nhiên, từ tháng 10/2022 trở đi, giá dăm có dấu hiệu hạ nhiệt dù vẫn duy trì ở mức cao.
Trung Quốc và Nhật Bản là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch từ 2 thị trường này chiếm tới gần 95% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu dăm của Việt Nam. Lượng dăm xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2022 tăng trên 20% so với lượng xuất năm 2021.
Nguyên liệu sản xuất dăm gỗ, viên nén tại Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các tín hiệu về thị trường xuất khẩu năm 2023 hiện chưa rõ ràng, do vậy khó dự đoán chính xác về dễn biến của thị trường năm 2023.
Đáng chú ý, hiện đang tồn tại một số yếu tố có thể tác động tới tình hình xuất khẩu và sản xuất trong nước. Thứ nhất là về giá và thị trường xuất khẩu đầu ra. Mức giá xuất khẩu năm 2023 có xu hướng giảm so với 2022. Giá xuất khẩu mặt hàng này trong các tháng đầu năm 2023 đang giảm so với các tháng trước đó.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, đà giảm này có thể sẽ tiếp tục diễn ra cho tới hết quý 2 năm 2023. Các thông tin về nhu cầu tiêu thụ dăm tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chưa rõ ràng do vậy khó có thể đưa ra các đánh giá chính xác về biến động tại các thị trường này trong 5 năm.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dăm tại Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, bởi mặt hàng này được sử dụng để thay thế cho than làm nguyên liệu đầu vào sản xuất điện.
Bên cạnh đó, nguồn cung dăm và viên nén nội địa đặc biệt từ các cơ sở sản xuất đồ gỗ của Hàn Quốc năm 2023 có thể giảm, khiến cho các cơ sở này phải thu hẹp quy mô sản xuất do kinh tế thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Sự suy giảm nguồn cung nội địa có thể đòi hỏi Hàn Quốc phải mở rộng lượng nhập khẩu trong thời gian tới.
Thứ hai là việc ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong khâu xuất khẩu. Hiện các cơ chế chính sách của Việt Nam về việc hoàn thuế VAT khi xuất khẩu vẫn chưa rõ ràng. Tình trạng doanh nghiệp dăm không thể hoàn thuế VAT diễn ra trong năm 2022 và tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Việc đọng vốn bởi chưa được hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành đang cân nhắc về các hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong tương lai.
Thứ ba là về nguồn nguyên liệu đầu vào cho dăm. Năm 2023 dự kiến sẽ không còn xảy ra tình trạng “sốt” nguyên liệu đầu vào cho dăm. Bên cạnh đó, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục. Sản xuất ván bóc (và ván ép) chủ yếu tập trung ở các địa phương có các diện tích rừng trồng phát triển.
Sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất ván bóc (ván ép) được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho dăm (và viên nén). Xuất khẩu ván bóc hồi phục khuyến khích việc khai thác rừng, từ đó thúc đẩy nguồn nguyên liệu cho dăm phát triển.
Nhận xét
Đăng nhận xét