Gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng trong chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Ảnh minh họa. |
Báo cáo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên từ vùng địa lý tích cực và không tích cực tới hết 2022 do Nhóm nghiên cứu Forest Trends và Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thực hiện, công bố ngày 21/3 cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3 tỷ USD kim ngạch gỗ nguyên liệu các loại trong năm 2022.
Trong đó có hơn 6,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm 41 thị trường được đánh giá là tích cực và 55 thị trường rủi ro.
Lượng cung gỗ từ rừng trồng trong nước của Việt Nam đạt khoảng trên dưới 30 triệu m3 mỗi năm, chủ yếu là gỗ keo/tràm, bạch đàn và nguồn cung từ gỗ cao su (khoảng 5 triệu m3 /năm). Tuy nhiên, khoảng 60 - 70% lượng cung từ nguồn này đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho dăm gỗ và viên nén. Lượng còn lại, chỉ 30 - 40% là gỗ lớn được đưa vào chế biến đồ gỗ xuất khẩu, do đó không đủ đáp ứng được nhu cầu về cả chủng loại, chất lượng và thành phần loài.
Lượng gỗ nhập khẩu của Việt Nam tăng đều với tốc độ trung bình khoảng 8%/năm. Điều này phản ánh nhu cầu nguyên liệu đầu vào ngày càng lớn của ngành gỗ Việt Nam.
Cụ thể, năm 2022, gỗ tròn và gỗ xẻ tương đương 6,3 triệu m3 gỗ quy tròn với giá trị nhập khẩu gần 2 tỷ USD. Trong nhóm gỗ nguyên liệu đầu vào, gỗ tròn và gỗ xẻ vẫn là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất để phục vụ cho nhu cầu chế biến của ngành gỗ.
Sau khi giảm nhẹ vào năm 2020 do ảnh hưởng của sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, lượng và giá trị nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ của Việt Nam đã tăng mạnh trở lại sau đó.
Tuy nhiên, lượng nhập từ các thị trường được đánh giá là tích cực sụt giảm mạnh kể từ nửa cuối 2022 và đà giảm này có thể tiếp tục duy trì trong năm 2023. Lý do sụt giảm chủ yếu là do lượng gỗ nhập thị trường đầu ra xuất khẩu bị co giảm từ nửa cuối năm 2022.
Cụ thể, các đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU do mức lạm phát cao ở các nước này sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam dự đoán trầm lắng của thị trường đầu ra sẽ kéo dài trong cả năm 2023.
Xét theo nguồn gốc xuất xứ, luồng cung gỗ tròn và gỗ xẻ từ các thị trường tích cực và rủi ro chiếm trung bình lần lượt khoảng 65% và 35% tổng lượng nhập khẩu về Việt Nam.
Lượng nhập khẩu từ 44 thị trường tích cực đã tăng liên tục với mức tăng trung bình 5,6% trong giai đoạn trước 2022, nhưng bị sụt giảm 7,9% về mức 3,82 triệu m3 trong năm 2022. Trong cùng năm, 55 quốc gia/vùng lãnh thổ được đánh giá là rủi ro cung cấp hơn 2,5 triệu m3 gỗ tròn và xẻ quy tròn cho Việt Nam, tăng 14% so với năm 2021.
Riêng lượng và giá trị gỗ tròn, Việt Nam nhập khẩu từ 51 quốc gia/vùng địa lý rủi ro đạt lần lượt 1,3 triệu m3 và 409,76 triệu USD, tương đương 51,4% tổng lượng và 54,8% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn của cả nước. So với năm 2021, nguồn cung rủi ro này đã tăng 58,2% về lượng và 50,2% về giá trị.
Cameroon và các quốc gia châu Phi khác như Nigeria, CHDC Congo, Ghana, Congo, Angola nằm trong top 10 thị trường rủi ro xuất khẩu gỗ tròn cho Việt Nam.
Doanh nghiệp ngành gỗ cần duy trì tâm lý tích cực cho thời điểm phục hồi 2024
Báo cáo chỉ ra rằng, ngành gỗ đang đối mặt với các khó khăn về thị trường đầu ra sản phẩm và các rủi ro trong khâu nguyên liệu đầu vào. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cần có những hành động kịp thời trong thời gian tới để giảm thiểu các khó khăn và rủi ro này nhằm duy trì hoạt động và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Báo cáo kiến nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công thương hỗ trợ các hiệp hội gỗ để triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, thúc đẩy các kênh kết nối nhằm tìm kiếm cơ hội thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ và EU.
Với vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp, các hiệp hội cần tích cực và liên tục cập nhật thông tin về diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm vượt qua khó khăn.
Để giảm luồng cung gỗ rủi ro nhập khẩu trong tương lai, báo cáo cho rằng, cần có các biện pháp thực tế để chuyển đổi luồng cung gỗ rủi ro tại các làng nghề trong nước. Thông tin tuyên truyền về gỗ hợp pháp và các quy định quản lý tính hợp pháp của gỗ cần được lan tỏa nhiều hơn.
Báo cáo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên từ vùng địa lý tích cực và không tích cực tới hết 2022 cập nhật tình hình nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ của Việt Nam tới hết 2022 chia theo các vùng địa lý tích cực và không tích cực được xác định theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng liên quan.
Nguồn thông tin trong Báo cáo được tổng hợp từ nguồn dữ liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 2018 – 2022. Mục tiêu của Báo cáo cập nhật thông tin về tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nguồn, làm thông tin tham khảo đầu vào cho các doanh nghiệp ngành gỗ và cho các cơ quan quản lý.
Nhận xét
Đăng nhận xét