Trước hàng loạt khó khăn hiện hữu, doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số chính sách hỗ trợ như được giãn nợ, lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội…
Theo đó, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách cho doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản được giãn nợ, lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh và khoảng 2.000 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn trả.
>>Kiến nghị tháo gỡ bất cập trong quy định phòng cháy chữa cháy
Cụ thể, VIFOREST cho biết, qua tổng hợp từ các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, đến nay tổng số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được cơ quan thuế hoàn trả lên tới 2.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh, nguồn tài chính thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đang rơi vào tình thế rất khó khăn, phải cắt giảm nhân công, thậm chí là thu hẹp, tạm ngừng sản xuất.
Theo VIFOREST, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong quý 1 đạt 3,1 tỉ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỉ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%.
Báo cáo tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 13/4 vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, cho biết ngành gỗ rơi vào tình thế khó khăn hiện nay là do tác động lạm phát tăng cao tại một số quốc gia phát triển.
Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột địa chính trị (Nga - Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp ngành gỗ như chi phí logistics, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia hiện nay ban hành chính sách bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã làm ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện tại, ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp, bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ.
>>Kiến nghị “gỡ vướng” cấp phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
Ông Đỗ Xuân Lập cũng cho biết, khó khăn của doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản còn đến từ quá trình thực thi các cơ chế, chính sách trong nước như: chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Khẳng định đa số các doanh nghiệp đều làm ăn chân chính, Chủ tịch VIFOREST đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm; đồng thời có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đặc biệt, Chủ tịch VIFOREST cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm nay; đồng thời có chính sách cho doanh nghiệp được lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi trong năm nay.
Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị các bộ, ngành ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại đối với thị trường các nước khu vực Trung Đông, Nam Mỹ.
Nhận xét
Đăng nhận xét