(HQ Online) - Cùng với việc quý 1/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022, nhiều tín hiệu trên thị trường thế giới cho thấy động lực xuất nhập khẩu của ngành gỗ trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều biến động so với quý 4/2022 và các tháng đầu năm 2023.
VIFOREST dự kiến xuất khẩu ngành gỗ sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Nhiều yếu tố tác động đến cung - cầu thế giới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số trên đã cho thấy thực trạng ngành gỗ đang có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, sức mua trên toàn cầu giảm dẫn đến số đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và mới chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
“Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp, có khách đặt mới thì doanh nghiệp mới có được đơn hàng”, VIFOREST cho biết.
Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều thay đổi, các yếu tố tác động chính đến cung – cầu tiêu dùng thế giới vẫn đang hiện hữu. Cụ thể, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế lạm phát, nhưng hiện chưa có dấu hiện lạm phát sẽ giảm trong tương lai.
Ngoài ra, ngành bất động sản tại các thị trường này đang ở giai đoạn trầm lắng, trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này nên có thể dự báo sẽ chưa thể có tín hiệu khởi sắc trong 2023. Đồng thời, cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc cũng tiếp tục tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa, làm giảm cầu tiêu dùng nói chung.
Thị trường giảm nhiệt
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có tính ổn định cao nhưng các mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường này lại tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác. Tuy năm 2022 đã có sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu của các mặt hàng này, đặc biệt là dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc và viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng tín hiệu thị trường trong những tháng gần đây (quý 1/2023) cho thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đã có dấu hiệu giảm nhiệt.
Trong khi đó, Việt Nam dù nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.
Đáng chú ý, bên cạnh việc là thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ (hai quốc gia đang có thị phần tại Mỹ ngang nhau, ở mức 31%). Do đó, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong năm 2023. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Khi sức mua của thị trường này giảm lập tức ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của toàn ngành đồ gỗ.
Ngoài ra, nguồn cung gỗ từ châu Phi, Lào, Campuchia sẽ tiếp tục là các nguồn cung có độ rủi ro lớn. Nguồn cung gỗ tròn, gỗ xẻ từ châu Phi có thể sẽ suy giảm sau khi quyết định đưa gỗ Hương (Pterocarpus spp.), Gõ (Afzelia spp.) và Xà Cừ (Khaya spp.) của châu Phi vào Phụ lục II của CITES có hiệu lực từ cuối tháng 2/2023. Cùng với đó, nguồn cung gỗ Bạch Dương từ Nga cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn cho ngành, đặc biệt trong khâu xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp và làng nghề trong nước cần chuẩn bị để đối phó với các rủi ro có thể xảy ra đối với các nguồn cung này.
Với các yếu tố tác động như trên, VIFOREST dự kiến các quý tiếp theo của năm 2023 sẽ không có nhiều biến động đối với ngành gỗ. Xuất khẩu ngành gỗ sẽ tiếp tục đối mặt với sự giảm sút của thị trường. Bên cạnh đó, các mặt hàng như tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, các mặt hàng được làm từ gỗ Bạch Dương nguồn gốc từ Nga sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro bị áp thuế hoặc hàng rào thương mại từ các chính sách trừng phạt tại thị trường xuất khẩu ở các nước phương Tây.
Nhận xét
Đăng nhận xét