(Dân trí) - Việc tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ giúp rút ngắn thời gian giám định gỗ và được xem là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Chiều 17/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack đã đến thăm, làm việc và cắt băng khánh thành Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ từ ngày 17-19/4.
Theo GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 13-15%, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 15,7 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ hiện nay chiếm tới 65-70%. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới, chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do, vì vậy công tác kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt trong xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản rất quan trọng. Trong khi đó, nhu cầu giám định gỗ tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
TS Võ Đại Hải cho biết, năm 2021, Cục Lâm nghiệp Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam dự án "Tăng cường năng lực giám định gỗ cho Việt Nam" với thời gian thực hiện 2 năm, trong đó dự án đã hỗ trợ công nghệ giám định gỗ DART - hệ thống phân tích tự động căn cứ vào so sánh kết quả phân tích quang phổ thành phần hóa học của các hợp chất có trong gỗ với thời gian phân tích rất ngắn (khoảng 10 phút).
Hàng năm, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phải xử lý khối lượng công việc rất lớn về giám định gỗ. Tuy nhiên, công nghệ giám định hiện nay chủ yếu dựa vào cấu tạo gỗ và thời gian giám định dài (thường mất 2-3 ngày), gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp. Do vậy, việc tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ được xem là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả với Cục Lâm nghiệp Mỹ trong thời gian qua. Mặc dù đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng Cục Lâm nghiệp Mỹ và các đối tác đã nhanh chóng triển khai các hoạt động, lắp đặt, vận hành công nghệ DART (tháng 8/2022 hoàn thành), đào tạo 4 cán bộ tại Mỹ (2 lần), đào tạo 6 cán bộ tại Việt Nam về sử dụng công nghệ DART.
Theo GS. TS Võ Đại Hải, khối lượng công việc dự kiến thực hiện trong năm 2023 rất lớn. Trước hết, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang tập trung nhân lực để hoàn thành cơ sở dữ liệu cho 800 loài cây gỗ chủ yếu tại Việt Nam, trong đó dự kiến sẽ có 100 loài có số mẫu đạt trên 20 mẫu. Ngoài ra, Viện sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan để chính thức công nhận công nghệ DART được sử dụng trong giám định gỗ tại Việt Nam...
Công nghệ có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành Trung tâm Giám định gỗ Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack cho biết công nghệ giám định gỗ DART ban đầu được phát triển ở Mỹ nhưng hiện nay đã được chuyển giao và sử dụng tại Việt Nam. Ông Vilsack khẳng định đây là một công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng trong tương lai phát triển ngành gỗ ở Việt Nam.
"Công nghệ này sẽ giúp giám định và xác định loại gỗ nhanh chóng hơn. Những công việc trước đây chúng ta phải mất nhiều ngày mới có thể thực hiện, thì nay có thể làm xong chỉ trong vài phút. Điều này có nghĩa chúng ta có thể rút ngắn thời gian lấy thử các mẫu và Việt Nam cũng có thể nhận được các chứng chỉ, chứng nhận từ các đối tác quốc tế. Như vậy, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc bán và xuất khẩu gỗ cũng như sản phẩm từ gỗ. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Vilsack, công nghệ giám định gỗ DART có thể đảm bảo tốt hơn nữa tính minh bạch, từ đó thúc đẩy sự bền vững của ngành gỗ. Đó là những yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể xây dựng một thương hiệu mạnh của riêng mình trong ngành gỗ. Nhìn xa hơn, điều này sẽ mang lại nhiều việc làm cũng như làm tăng thu nhập cho người dân Việt Nam. Ở chiều ngược lại, việc nâng cao công nghệ giám định gỗ cũng mang lại lợi ích cho người dân Mỹ. Gỗ nguyên liệu từ Mỹ cũng sẽ xuất khẩu sang nước khác nhanh chóng hơn, người tiêu dùng Mỹ cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
"Đây là một thành tựu có thể thấy rõ sau 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, là minh chứng rõ rệt cho thấy chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau như thế nào. Tôi tin tưởng trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những bước phát triển công nghệ", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét