(Baonghean.vn) - Cuối năm là dịp "lộc rừng" xuôi phố đón Xuân. Chưa có số liệu thống kê khoản thu nhập này của đồng bào vùng cao, nhưng đây là một trong những nguồn thu đáng kể để bà con trang trải những ngày Tết.
Đào đá được bà con vùng rẻo cao Kỳ Sơn khai thác trên nương rẫy mang về phố núi Mường Xén bán dịp Tết. Ảnh: Quang An |
Khi tiết Xuân ngập tràn đại ngàn cũng chính là thời điểm đồng bào vùng cao Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… hối hả ngược rừng tìm sản vật. Nào lá dong, ống giang, đào phai, bông đót… theo dòng người lên xe về thị thành, đưa sắc xuân đến với mọi nhà. Người dân địa phương gọi đó là “lộc rừng” đón tết.
Ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, những cây đào địa phương do người dân trồng đã nhiều năm tuổi “rêu mốc” mập nụ, hoa đẹp, lộc biếc được bà con mang xuống phố núi bán cho thương lái. Theo những người đàn ông của đồng bào Mông đang bán đào Tết ở khu vực thị trấn Mường Xén cho biết, không phải cứ gặp đào là chặt, mà phải biết chọn cành nào già và có thế đẹp mới chặt. Năm nay còn có năm sau, mình phải biết để dành.
Ở khu vực thị trấn Mường Xén những ngày cận Tết ngoài đào đá, bà con còn bán nhiều sản vật khác. Ảnh: Xuân Hoàng |
Khảo sát thị trường đào Tết ở rẻo cao Kỳ Sơn cho thấy, phần lớn đào có giá từ 2 - 5 triệu đồng/cành, cá biệt có những cành đào hội tụ đủ các yếu tố: thế, nụ, lộc... được thương lái xuống tiền với giá 25 - 40 triệu đồng/cành.
Huyện rẻo cao Kỳ Sơn, đào nhiều nhất là ở các xã Mường Lống, Na Ngoi, Nậm Cắn và Tây Sơn.
Ông Vi Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện và PTNT cho rằng: Cách đây hàng chục năm, đồng bào vùng cao Kỳ Sơn trồng đào trên các nương rẫy, vừa để lấy bóng mát, vừa có quả ăn, ít ai chặt cành chơi Tết. Sau này, người miền xuôi thích đào đá, đào mốc, nên người dân vùng cao cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về là “săn” đào mốc bán cho lái buôn.
ADVERTISEMENT
Tầm cuối tháng Chạp, trên các trục đường vào các xã vùng trong của huyện, những chuyến xe máy chở đầy cành đào nối nhau về thị trấn Mường Xén, làm cho không khí cuối năm ở vùng cao càng thêm rộn rịp. Có lẽ thiên nhiên khắc nghiệt đã làm nên vẻ đẹp riêng cho nét đào Xuân nơi đây.
Lá dong được bà con thu hái quanh năm để cung ứng cho các cơ sở sản xuất bánh, nhưng nhiều nhất là dịp cuối năm để cung ứng cho người dân khắp nơi gói bánh Tết. Theo bà con xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cho hay: Cây lá dong thường mọc và phát triển ở những vùng đất có độ ẩm cao, vào càng sâu thì lá càng đẹp, còn cây giang mọc lưng chừng núi.
Lá dong được thương lái ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương mua về, sau đó lựa chọn, bó lại cho đẹp để bán ra thị trường. Ảnh: Quang An |
Ông Lương Văn Mạnh ở bản Chiềng, xã Hạnh Dịch cho biết: Nơi hái lá dong là ven suối, cách nhà 1 giờ đi bộ, nên mỗi ngày chỉ đi hái được 2 chuyến. Mỗi chuyến 1 người gùi được hơn 10 bó lá. "Khách hàng ưa chuộng nhất là những lá dong rộng chừng 25 cm, dài khoảng 50 cm, thì gói bánh chưng, bánh tét mới đẹp. Do đó, mình phải cất công tìm cho được bụi dong có nhiều lá đẹp. Hái lá dong, đòi hỏi dụng cụ cắt phải sắc, cuống lá cắt nhát một mới đẹp. Xếp, bó lá cũng cần có “kỹ năng” sẽ không bị rách lá. Vì người dân quan niệm “lộc rừng” đón Tết nên khi bó lá không được trộn lá rách, lá xấu vào trong để bán cho khách", ông Lương Văn Mạnh cho hay.
Thương lái tập kết lá dong bên Quốc lộ 7, đoạn qua xã Tam Đình (Tương Dương) để chở về xuôi tiêu thụ trong dịp Tết. Ảnh: Xuân Hoàng |
Giá bán lá dong thì tùy từng năm. Dịp Tết năm nay, theo các thương lái thu mua lá dong ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... giá thu mua cho bà con ngay tại cửa rừng là 300 - 400 đồng/lá. Thương lái thu mua về, lựa chọn, bó lại cho đẹp, vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Theo các thương lái, lá dong có hầu hết ở các huyện vùng cao dọc 2 tuyến Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48. Nhưng lá dong đẹp nhất là vùng Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn của huyện Quế Phong. Kinh nghiệm cho thấy, năm nào trời mưa từ đầu tháng Chạp đến hết ngày 20 âm lịch là lá dong đắt hàng. Vì trời mưa kéo dài, bà con ngại vào rừng. Năm nào trời nắng cả tháng Chạp thì lá dong nhiều vô kể, đồng nghĩa với giá mua rẻ.
Bà con xã Đồng Văn (Quế Phong) khai thác ống giang để bán cho thương lái. Ống giang dùng để chẻ lạt gói bánh chưng Tết nên tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Ảnh: Quang An |
Những người chuyên thu mua lá dong cho biết, đặc điểm của lá dong, cùi xanh, lá xanh và đầu mũi lá có vòi xoắn. Lá dong có 2 loại lá bầu và lá dóc. Nhưng ưa chuộng hơn vẫn là loại lá dóc.
Với ống giang thì chặt từ rừng về phải bán ngay, vì giang yêu cầu phải tươi nguyên thì mới dễ chẻ lạt được mỏng. Lạt dùng để gói bánh, chẻ càng mỏng càng tốt. Chị Lượng ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong bộc bạch: “Chẳng mong làm giàu, của “lộc rừng” chỉ mong đủ trang trải cho cái Tết là mừng lắm rồi. Bà con dân bản đã bao đời gắn bó với rừng, mỗi dịp Tết đến, toàn bộ quần áo, thịt, cá, bánh kẹo… là trông nhờ vào “lộc rừng”.
“Lộc rừng” cho mùa Xuân thêm tươi, cho đồng bào vùng cao được đón Tết ấm áp đủ đầy hơn. Do vậy, những người được hưởng sản vật ấy phải biết bảo vệ rừng, biết giữ gìn từng mầm cây. Đó là cần khai thác rừng hợp lý, để rừng sinh sôi nảy nở. Đi hái lá dong, nếu người vô ý sẽ chặt phá, làm dập nát gốc, cây dong bị tổn thương. Giang trúc cũng vậy, khi mùa măng về nếu khai thác măng một cách vô tội vạ thì vô hình trung dẫn đến tàn phá rừng. Hoặc là có những người tìm đào, chặt tận gốc, không để cây tiếp tục sinh trưởng. Nếu không có ý thức khai thác các sản vật ấy thì đến một ngày nào đó “lộc rừng” sẽ cạn kiệt.
Mua bán lá dong và các sản vật khác ở khu vực thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ản: Xuân Hoàng |
Không thể thống kê mỗi năm người dân vùng cao thu lợi được bao nhiêu tiền từ hái “lộc rừng”, nhưng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn gia đình có được cái tết sung túc, là nhờ những sản vật của rừng. Vì thế, cuối năm, ngược lên vùng cao, chúng ta bắt gặp những chuyến xe chở đầy hàng kéo nhau về xuôi. Trên những chuyến xe ấy là lá dong xanh biếc, ống giang, cành đào, và những sản vật khác mà người dân miền xuôi gọi là “đặc sản” vùng cao, gợi cho ta cảm giác xốn xang khi mùa Xuân về./.
Nhận xét
Đăng nhận xét