Những năm gần đây, những cây gỗ quý như lim, gỗ, sến, táu… của rừng Trường Sơn cứ bị cưa hạ và chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều vụ án được khởi tố, nhiều cán bộ bảo vệ rừng vướng vòng lao lý.
Anh Nguyễn Nhật Nam, một trưởng trạm với hơn 20 năm công tác đã xin nghỉ việc. Anh nói trong sự hụt hẩng: “Chúng tôi bảo vệ rừng khi không đủ sống, không đủ lực lượng để tuần tra mà để mất rừng thì chết. Đúng là “quyền lợi thì hữu hạn mà trách nhiệm thì vô hạn”.
Ánh mắt người trưởng trạm…
Vào giữa năm 2019, một số đối tượng vào tiểu khu 329 (thuộc lâm phận Chi nhánh lâm trường Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) khai thác trái phép 10 cây gỗ lim nhóm IIA với khối lượng gần 23m3. Sau khi vụ việc xảy ra, Hoàng Văn Toản (thời điểm đó là Trưởng trạm bảo vệ rừng Khe Đen, thuộc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn) đã bị kỷ luật và cách chức Trạm trưởng.
Sau đó không lâu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Toản về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1, điều 360 Bộ luật hình sự. Toản bị buộc tội không thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời, ngăn chặn việc khai thác vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu được phân công quản lý. Tôi đã gặp Toản trong một chuyến xuyên rừng tìm lâm tặc. Sau vụ việc vướng vòng lao lý, tôi gặp Toản, ánh mắt em buồn quá. Cái nhìn lanh lợi của những ngày luồn rừng đã ẩn nấp vào trong. Toản bảo, tội đến đâu em chịu đến đó, không hề trách móc điều chi. “Có điều mấy ai hiểu cho, thà rằng em có lợi lộc hay bắt tay với lâm tặc thì tù tội cũng cam lòng, chứ nói thiếu trách nhiệm thì lấy gì đo lường đây”, Toản nói trong tiếng gió thoảng qua câu được câu mất.
Trạm Bảo vệ rừng Khe Đen lúc đó có 6 người, được giao quản lý bảo vệ hơn ngàn ha rừng phòng hộ. Anh em chia nhau làm 2 kíp tuần tra rừng. Cứ mỗi kíp 3 người đi để lỡ có gặp nguy biến mà hỗ trợ cho nhau. Mỗi chuyến đi cũng 2 - 3 ngày ở biệt trong rừng. Mỗi tháng 2 chuyến tuần rừng là người đã xanh xao rồi. Do ăn uống kham khổ, lại sống chung với muỗi rừng nên gần như tháng nào cũng có người ốm. Thành thử, người khỏe lại cáng đáng việc tuần tra giữ rừng. “Rừng thì muôn nẻo, người ít làm sao đi hết được. Rồi mất cây rừng, Trưởng trạm là người phải gánh trách nhiệm. Biết làm sao được hả anh”, giọng Toản như nén trong tiếng thở dài và ánh mắt cứ nhìn xoáy vào tôi như tìm câu giải tỏa trước khi chịu án.
Những năm tiếp theo, rừng Trường Sơn lại bị cưa đổ. Lúc thì vài cây, lúc vài chục cây. Hết xảy ra tại huyện Minh Hóa, đến xảy ra tại huyện Quảng Ninh… Lực lượng bảo vệ rừng tiếp tục mất cán bộ, mất nhân viên. Rồi cứ âm thầm “làn sóng” chuyển việc, bỏ việc, thôi việc đẩy lực lượng giữ rừng ở Quảng Bình đã yếu nay lại càng mong manh hơn. Có năm, hơn 50 người rời xa nhiệm vụ bảo vệ rừng mà họ đã cống hiến cả một thời thanh xuân. Nhiều người khi được bổ nhiệm lên làm Trưởng trạm bảo vệ rừng đã nằng nặc từ chốii hoặc xin thôi việc vì sợ áp lực trách nhiệm “gánh” không nổi khi rừng bị mất.
Trò chuyện với Nguyễn Văn N. (nguyên là Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng đã xin thôi việc), anh cũng chia sẻ những nỗi buồn chất chứa trong lòng. Sau gần 20 năm gắn bó với rừng, bàn chân quen lối vách đá nên nói quên mà quên ngay sao được. “Thôi cũng vì cuộc sống mà lựa chọn anh ạ”, giọng N. đượm buồn.
Với mức lương viên chức và trạm trưởng nên mỗi tháng N. có lương 9 triệu đồng. Sống xa nhà, thời gian dành cho vợ con cũng dè sẻn. Những ngày cuối tuần đâu được nghỉ, chỉ trừ khi bị đau ốm mà phải trực chốt, tuần rừng. Tằn tiện lắm thì mỗi tháng đưa cho vợ con được 4 - 5 triệu là mừng lắm. Bây giờ thôi việc về đi làm thợ xây cũng thoải mái lắm. Công mỗi ngày 500 ngàn đồng, buổi trưa chủ thầu lo cơm, tối đến gia chủ đãi đằng bữa ăn. Mỗi tháng chỉ làm 20 ngày là đã có chục triệu đồng, lại được gần vợ, sát con để dạy bảo. “Bữa nay, nhà có việc thì chỉ cần nhắn tin cho chủ thầu là nghỉ. Riêng cái khoản đóng bảo hiểm thì theo tự nguyện. Kkhi đến tuổi cũng có chút lương hưu đỡ đần, chứ nghề rừng khổ và bạc lắm”, giọng N. như chùng hẳn lại.
Sống như ở hoang đảo, gánh trách nhiệm đầy vai…
Quay về Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh, nơi xảy ra vụ phá rừng mà cơ quan công an đang vào cuộc điều tra.
Theo ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc BQLRPH, hiện đơn vụ đang quản lý gần 52.000ha rừng, trong đó có 42.000ha rừng phòng hộ. Đến nay, Ban có tổng số biên chế 53 viêc chức sự nghiệp. “Ngoài viên chức hành chính thì lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có 40 người”, ông Cừ cho hay. Ban cũng “biên chế” lực lượng bảo vệ rừng ở 7 trạm và 2 tổ cơ động. Mỗi trạm chỉ được bố trí nhân lực 5 người. Trạm gần nhất cách trụ sở Ban 40km và Trạm số 7 xa nhất với khoảng cách trên 80km.
Cách đây gần 3 năm, ông NVT (lúc đó là Giám đốc ban) bị kỷ luật giáng chức, lãnh đạo huyện chọn đến 3 “ứng cử viên” điều động lên thay nhưng cả 3 người đều nêu lý do sức khỏe để thoái thác nhiệm vụ. Đến người thứ 4 được chọn là ông Cừ (khi đó là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện) lên thay. Cứ như thể cái chức Giám đốc Ban là “nỗi sợ” của cán bộ!
Ngay tại BQLRPH Quảng Ninh, việc cán bộ xin “từ chức” trưởng trạm đang diễn ra. Thời gian gần đây đã có 5 viên chức xin thôi việc mà trong đó có 3 người nguyên là trạm trưởng trạm bảo vệ rừng vì họ thấy sức ép trách nhiệm quá lớn và thu nhập thì cũng chẳng giúp gì được cho gia đình.
...Chúng tôi lên Trạm bảo vệ rừng số 7 khi trời cũng xế chiều. Chỗ ở của anh em là ngôi nhà cấp 4 xây đã lâu. Ở đây biên chế 5 người thì có 4 người tăng cường cho chốt, chỉ còn lại anh Phượng trực ở trạm. Trạm không có điện lưới nên khi ăn cơm tối, chúng tôi phải dùng ánh sáng của 3 chiếc điện thoại chiếu vào mới nhìn rõ được mâm cơm mà gắp thức ăn. Dĩ nhiên không có điện lưới là không có sóng điện thoại. Anh Phượng nói đùa trong tiếng than: “Bọn em ở đây quen với không điện, không ti vi, không tiếng nói người thân… nên thấy cũng quen rồi. Ở riết thì cũng thấy bình thường thôi anh ạ”. Tôi thoáng nghĩ: “Có ai tình nguyện lên đây ở một tháng với tình trạng “3 không”, vài ngày lại đi luồn rừng… để nhận lương 5 triệu đồng không”.
Trong ánh sáng mờ tỏ, trên khuôn mặt anh Phượng hiện rõ nhiều nét tư lự. Lãnh đạo Ban nhiều lần động viên anh nhận chức vụ trưởng trạm này nhưng anh chưa nhận. Anh bảo không chỉ thương mình mà thương anh em bảo vệ rừng lắm. Tuổi trẻ với nhiệt huyết yêu rừng nên dấn thân thôi. Cũng là viên chức nhưng nghề khác thì họ được nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần, anh em chưa hề biết đến thứ bảy, chủ nhật là gì. Rồi khi có việc hay đi tuần rừng thì có kể trưa tối hay đêm hôm gì đâu.
“Lương anh em thì nhận theo hệ số, ngoài ra cũng chẳng có chế độ gì khác. Nếu so sánh thì khó lắm, nhưng người ta cũng nhận lương như mình thì được nghỉ 2 ngày cuối tuần, được gần vợ con hàng đêm, không phải đối mặt hiểm nguy. Mỗi người “gánh” trên vai gần ngàn ha rừng, giữ bằng cách nào đây. Khi rừng mất cây thì chúng tôi cũng mất ăn, mất ngủ vì lo trách nhiệm”, tiếng anh Phượng như thì thầm bên tai.
Hôm nay, lại được tin vụ án phá rừng ở khe Lồ Ô đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án để điều tra. Anh Phượng liền hốt hoảng nói với tôi: “Thôi, em không dám nhận chức trạm trưởng mô. Em cũng xin về làm cán bộ thường thôi. Không rõ là mấy hôm nữa, em có bị liên lụy như những anh trưởng trạm đã bị như vậy trước đây không. Mấy bữa nay em cứ bị mất ngủ và mộng mị”, tôi nghe được tiếng Phượng thở dài…
Bạn đang đọc bài viết Mất cán bộ vẫn không giữ được rừng tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét