Hai con đường để vào rừng sâu là theo suối Lồ Ô hoặc cắt rừng theo con suối nhỏ. Cả hai tuyến này đều bị chốt… đặt trong tầm kiểm soát .
Con suối Lồ Ô chạy ngoằn nghèo giữa rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ và chia lâm phần theo đường suối này. Bên phải suối theo hướng đi ngược lên thượng nguồn là lâm phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Quảng Ninh và phía trái là lâm phần Chi nhánh lâm trường Khe Giữa (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) quản lý, bảo vệ.
Khẩn trương khởi tố vụ án
Để xác minh vụ phá rừng xảy ra trại xã Trường Sơn, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh và các đơn vị chủ rừng kiểm tra rừng tại các tiểu khu 417, 418, 419 thuộc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa quản lý và các tiểu khu 410, 411 thuộc BQLRPH Quảng Ninh quản lý.
Đoàn liên nghành xác định đã có 14 cây gỗ lớn bị chặt hạ với tổng khối lượng bị thiệt hại trên 23m3 từ nhóm I đến nhóm III. Trong đó có 1 cây thuộc lâm phần Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa, khối lượng 2,268m3; 13 cây thuộc lâm phận BQLRPH Quảng Ninh. Thời gian cây gỗ bị cưa hạ khoảng 3 - 5 tháng trở về trước.
Qua kết quả kiểm tra, các lực lượng chức năng xét thấy việc khai thác gỗ trái pháp luật đã xảy ra tại nhiều tiểu khu với khối lượng lớn (đã vượt mức xử lý vi phạm hành chính), có tính chất nghiêm trọng nên Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh chủ trì, phối hợp cùng các ngành, đơn vị chủ rừng thành lập tổ công tác tiến hành xác định thiệt hại ban đầu để hoàn thiện hồ sơ xử lý, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Hiện Chi cục đã đề nghị xử lý nghiêm vụ phá rừng nêu trên để chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn trong thời gian tới. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh tiếp tục tham mưu UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành để bảo vệ hiện trường các vụ vi phạm, mở rộng kiểm tra tại các khu vực rừng xung yếu, có nguy cơ xâm hại cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm”.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh nói: “Hiện nay, Hạt đã lập biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và đang hoàn thiện các hồ sơ liên quan, tiến hành các bước theo trình tự thủ tục để khởi tố vụ án”.
Lập chốt giữa rừng già mới mong giữ được rừng
Sau khi phát hiện vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực do BQLRPH huyện Quảng Ninh quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Quế, việc giữ rừng phải xác định là khó khăn, nhưng không có nghĩa là không làm được. “Nếu chúng ta chỉ canh giữ ở cửa rừng, kiểm soát trên đường vận chuyển thì rất khó. Để ngăn chặn từ xa và phòng ngừa tốt thì chỉ có biện pháp là lập tổ chốt tại các điểm xung yếu ngay trong rừng già. Lực lượng này sẽ chịu nhiều vất vả, nhiều áp lực. Song với những người yêu rừng cộng với chính sách hỗ trợ tốt thì họ sẽ vượt qua và làm tốt nhiệm vụ”, ông Nguyễn Xuân Quế nói.
Ngay sau đó, chốt bảo vệ rừng với sự tham gia của lực lượng bảo vệ rừng của BQLRPH huyện Quảng Ninh, Chi nhấn Lâm trường Khe Giữa và kiểm lâm huyện được thành lập. Điểm chốt được chọn là mé đồi sát suối Lồ Ô, bên ngã ba có con suối nhỏ chảy thẻo hướng đông - tây. Ông Nguyễn Xuân Quế cho hay, địa điểm đóng chốt này ông chọn sau khi tham khảo ý kiến nhiều người nắm rõ địa hình ở vùng này.
“Những người vào rừng khai thác lâm sản trái phép chỉ có đi hai con đường để vào rừng sâu. Đó là đi theo suối Lồ Ô hoặc cắt rừng theo con suối nhỏ. Cả hai tuyến này đều bị chốt… đặt trong tầm kiểm soát. Lâm sản, gỗ khai thác trái phép buộc phải đi qua đây đều bị ngăn chặn. Có nghĩa là việc xâm hại rừng sẽ bị hạn chế đến mức tối đa”, ông Quế nhấn mạnh.
Từ nơi đóng quân của Trạm bảo vệ rừng số 7 (được xem là cửa rừng), lực lượng bảo vệ rừng phải xuyên rừng, vượt suối hơn hai giờ đồng hồ mới đến được chốt Đá Trơn. Mấy anh em trong chốt đang “xây dựng” nơi ăn ở. Lán được lợp bạt và khá chắc chắn để anh em buộc võng ngủ đêm. Một lán nhỏ hơn nằm ở vùng đất thấp bên con suối nhỏ để làm bếp nấu nướng. Bếp lửa đang bập bùng cháy, khói lam tan nhanh vào vòm tán lá rừng. Phiến đá lớn nằm bên cạnh được anh em dùng làm bàn ăn. Ai đó khéo tay cũng đã làm nên một sạp nhỏ để nơi cất bát đũa, xoong nồi… Tất cả như đã sẵn sàng bắt nhịp cho cuộc sống mới của anh em chốt Đá Trơn. Anh Trần Quốc Viết, cán bộ bảo vệ rừng thuộc BQL RPH huyện Quảng Ninh là lực lượng cốt cho hay, anh em ở đây thì thiếu mọi thứ, vất vả đủ điều.
“Mình ở chốt, ngoài nhiệm vụ ngăn chặn không cho người lạ xâm nhập vào khai thác lâm sản thì lực lượng tuần rừng để đẩy đuổi người vào rừng và phát hiện hành vi xâm hại đến rừng. Anh em đi trong ngày là có thể quay về chốt để có nơi ăn nghỉ tối”, anh Viết nói thêm.
Khi chúng tôi ngược suối Lồ Ô để vào tiểu khu 410 thì gặp tổ tuần tra của Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa cũng đổ dốc xuống. Phút gặp nhau tình cờ giữa rừng già cũng làm cho mọi người vui hẳn lên. Chúng tôi chia cho anh em mấy chai nước mang theo mà có cảm giác như xua tan được cái nóng nực. Anh Nguyễn Văn Quý, tổ trưởng bộc bạch: “Chúng em đi từ sáng sớm và có mang theo cơm nắm ăn trưa. Cố gắng quay về trạm trước lúc trời tối. Thôi chào mọi người nhé”. Tôi đứng nhìn theo tổ tuần rừng. Một loáng, bóng họ đã khuất sau một vạt rừng rậm rạp.
Buổi chiều khi chúng tôi quay ra thì nghe bước chân hối hả phía sau lưng. Một nhóm nam giới 5 người gùi nặng sau lưng, thấy đoàn chúng tôi thì e dè và tỏ ra sợ sệt. Khi hỏi, một người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhóm cho hay là dân bản ở xã Trường Sơn vào rừng bắt cá, ăn ong và trên đường ra. Theo như những người này thì cá dưới con suối Lồ Ô lớn này cũng đã cạn kiệt dần. Bây giờ bà con phải đi mất non ngày đường lên tận đầu nguồn ngọn suối mới có.
Anh Phượng bảo nhỏ với tôi: “Ban đêm họ bắt cá dưới khe. Nhưng ban ngày là đạp lên rừng tìm ong, tìm cây gỗ lớn đánh dấu để có thời cơ là cưa trộm, xẻ thành gỗ phách kéo về khe Lồ Ô đợi khi có những cơn mưa lớn là cho bè gỗ xuôi về”. Quay sang những người dân, anh Phượng giọng cứng rắn: “Đội liên nghành đã lập chốt ở khe Đá Trơn. Từ hôm nay, bà con chỉ ra khỏi rừng chứ không được vào rừng khai thác lâm sản, bẫy thú trái phép. Nếu không chấp hành, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý đấy”. Nhóm người dân xúm lại to nhỏ điều gì rồi một người lên tiếng: “Chúng tôi không vào nữa. Bây chừ thì xin phép đi ra”.
Theo ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh để giữ được rừng gỗ quý không bị xâm hại thì phải khống chế, giám sát được lượng người vào, người ra rừng. “Muốn vậy là phải có đủ lực lượng để lập chốt chặn tại những điểm xung yếu ở rừng. Từ đó, kiểm soát được người vào ra rừng thì đồng nghĩa với việc rừng được bảo vệ khỏi sự “truy sát” của lâm tặc”, ông Quế nói.
Cũng phải nói thêm rằng, ông Nguyễn Xuân Quế trước là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy. Hơn 10 năm làm nhiệm vụ giữ rừng vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị và giữ Khu bảo tồn Động Châu, ông thường xuyên cùng lực lượng lập chốt, tuần tra khắp nẻo rừng già. Cũng chừng ấy năm, rừng Lệ Thủy không mất cây gỗ quý nào. Trước thực trạng rừng gỗ quý Trường Sơn trên địa bàn huyện Quảng Ninh liên tiếp bị khai thác trái phép, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã điều động ông Quế về nắm giữ nhiệm vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh.
Bạn đang đọc bài viết Lập chốt giữa rừng già tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét