Con suối Lồ Ô chia đôi cánh rừng già. Bên này thuộc lâm phần của doanh nghiệp quản lý thì được hưởng hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm, còn bên kia...
"Bên kia con suối" ấy là lâm phần thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) thì không có chế độ hỗ trợ.
Chính quyền không muốn “ôm”
Qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương thì có chung một tâm lý là không muốn “ôm” các Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) vì nhiều lý do.
Thứ nhất là việc phân bổ ngân sách. Ngân sách phân cho các địa phương (cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh) được phân bổ ngay từ đầu năm. Trong đó có kinh phí về hoạt động môi trường (tức là bao nguyên luôn kinh phí cho việc bảo vệ rừng nếu có). Theo lãnh đạo huyện Quảng Ninh, hàng năm kinh phí được cấp cho hoạt động môi trường vào khoảng 10 tỷ đồng. Huyện phải phân bổ cho BQLRPH Quảng Ninh gồm tiền lương, chi khác… khoảng 5 tỷ đồng. Số còn lại phân bổ cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, trồng cây phân tán.
“Trong khi cũng mức phân bổ đó mà ở địa phương khác không có BQLRPH thì tiền chi cho các hoạt động môi trường được khá hơn, không phải cảnh giật gấu vá vai như chúng tôi”, một lãnh đạo huyện Quảng Ninh cho hay.
Thêm nữa, giữ rừng là việc lớn, nhạy cảm. Khi mất rừng thì gắn với trách nhiệm. Vì những lý do này nên các địa phương cũng chẳng muốn giữ quản lý rừng và các ban. Ở tỉnh Quảng Bình đã có BQLRPH Đồng Hới, BQLRPH Động Châu sau khi sắp xếp, chuyển đổi đã chuyển sang thuộc sự quản lý của Sở NN-PTNT.
“Các ban chuyển về cho ngành nông nghiệp quản lý là phù hợp. Vì Sở NN-PTNT có thể điều chuyển hay tăng cường viên chức sự nghiệp bảo vệ rừng từ đơn vị này sang đơn vị khác cho phù hợp tình hình và nhiệm vụ rất thuận tiện”, một lãnh đạo huyện Quảng Ninh nói.
Khởi sắc trong bảo vệ rừng…
Chúng tôi cũng đã trở lại Công try TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại. Đây là một doanh nghiệp giữ rừng mà những năm trước đây người bảo vệ rừng liên tục bỏ việc và rừng mà đơn vị quản lý luôn bị xâm hại.
Hiện Công ty Long Đại quản lý bảo vệ gần 60 ngàn ha rừng tự nhiên. Những năm trước, chính sách hỗ trợ 200 ngàn đồng/ha cũng làm cho doanh nghiệp gặp khó trong thu hút nhân lực bảo vệ rừng. Ông Lương Sỹ Trình, Giám đốc Công ty Long Đại cho hay: “Cho dù công ty đã lấy cạn nguồn sản xuất kinh doanh hỗ trợ về ăn ca, tiền xăng xe… cho người lao động nhưng với thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người và áp lực công việc làm nhiều lao động đã thôi hoặc bỏ việc”. Có năm, lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc nhiều quá khiến nhân lực của công ty như “chạm đáy”. Bảo vệ rừng mà thiếu nhân lực khiến lãnh đạo công ty như “ngồi trên đống lửa”. Công ty thông báo tuyển cán bộ bảo vệ rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng tháng trời mà không hề có một hồ sơ nộp vào.
Từ đầu năm 2022, Nhà nước tăng mức hỗ trợ từ 200 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/ha/năm như tạo một năng lượng mới cho doanh nghiệp trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. “Có được kinh phí, công ty chú trọng đến tăng cường nhân lực cho lực lượng bảo vệ rừng. Chỉ trong một năm, đã có trên 20 lao động được tuyển chọn hợp đồng làm việc tại các chi nhánh lâm trường trực thuộc để tăng cường sức mạnh cho lực lượng bảo vệ rừng”, ông Lương Sỹ Trình nói.
Công ty Long Đại có 3 đơn vị trực thuộc có diện tích rừng tự nhiên. Trong đó, Chi nhánh Lâm trường (CNLT) Trường Sơn có hơn 28 ngàn ha rừng, CNLT Khe Giữa có gần 28 ngàn ha và CNLT Phú Lâm có trên 1.500ha. Khi lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc nhiều, một số trạm, chốt bảo vệ rừng trên địa bàn đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nhân lực. Đến nay, cơ bản lực lượng bảo vệ rừng được củng cố và bố trí đủ cho 20 trạm đóng ở các khu vực xung yếu, đường rừng, khe suối có tính chất phức tạp. Không giấu được nét vui, ông Lương Sỹ Trình cho biết, công ty cố gắng duy trì mức thu nhập cho anh em bảo vệ rừng ở mức 8 triệu đồng/tháng và một số chế độ hỗ trợ thêm để động viên. “Trước mắt, chúng tôi bố trí mỗi trạm từ 3 - 5 người để ổn định tuyến bảo vệ rừng tại các vùng xung yếu, vùng rừng hay bị xâm phạm. Về lâu dài cũng cần có thêm kinh phí để hợp đồng lao động tăng thêm nhân lực cho các trạm phải đảm bảo quân số từ 6 - 7 người”, ông Trình nói thêm.
Nhằm có nhân lực có trình độ về lâm nghiệp chuyên sâu và lâu dài, lãnh đạo Công ty Long Đại đã có buổi làm việc với Trường Đại học Nông Lâm Huế (Đại học Huế) để đăng ký xin con em địa phương đang học chuyên ngành Lâm nghiệp sắp tốt nghiệp về công tác. Tuy nhiên, phía nhà trường cho hay số lượng sinh viên chuyên ngành lâm nghiệp những năm qua quá ít nên rất khó.
Trước tình hình các cơ quan chức năng đã khởi tố các vụ phá rừng trên địa bàn ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Ninh, lãnh đạo Công ty Long Đại đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nội dung công văn nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra khai thác lâm sản trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất đai mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì giám đốc các chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước giám đốc công ty và pháp luật”. Đồng thời định hướng tháo gỡ khó khăn: “Yêu cầu giám đốc các chi nhánh căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị mình để chỉ đạo quyết liệt, kịp thời báo cáo công ty những khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ rừng mà chi nhánh không thể giải quyết được để công ty hỗ trợ… không xảy ra việc phá rừng”.
Nói về tinh thần công văn này, ông Lương Sỹ Trình khẳng định, dù còn nhiều khó khăn nhưng công ty đã có được những điều cơ bản nhất nhằm tháo gỡ và hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc đưa nhiệm vụ bảo vệ rừng lên hàng đầu. “Điều cốt lõi nhất là đã tạo được niềm tin, sự vững lòng cho lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị. Ổn định về tư tưởng và chế độ của anh em ngày càng được quan tâm thì nhiệm vụ giữ rừng của chúng tôi cũng sẽ ngày càng ổn định hơn trước”, ông Trình nói thêm.
Chúng tôi đã ghé CNLT Trường Sơn, ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc CNLT cho hay, đến nay, đơn vị đã có lực lượng bảo vệ rừng trên 30 người và đang sắp xếp, bố trí nhân lực để tăng thêm biên chế cho lực lượng này. Đơn vị cũng đã tăng cường, củng cố hoạt động của 8 trạm, chốt, tổ cơ động để đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn. Các trạm, chốt đều được bố trí tại các địa bàn xung yếu để sớm phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến rừng. “Đơn vị đã tăng cường chốt bản An Bai (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy). Chốt được đóng ở vị trí cách bản hơn 3 giờ đi bộ. Tuy cách xa và gặp nhiều khó khăn, nhưng anh em công tác ở các trạm, chốt đều yên tâm triển khai nhiệm vụ và thường xuyên tuần tra giữ rừng”, ông Thành chia sẻ.
Trong diện tích rừng mà các CNLT Khe Giữa, Trường Sơn quản lý, bảo vệ thì có trên 6.000ha các đơn vị này ngày đêm bảo vệ nhưng không có chi phí hỗ trợ. Theo lãnh đạo các đơn vị này, diện tích rừng này được xếp vào rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nên không được xếp vào “danh mục” được hưởng mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha/năm.
“Hơn 2 năm nay, hơn 6.000ha rừng được giao cho các đơn vị chúng tôi đảm nhận quản lý, bảo vệ. Chúng tôi cũng đã cố gắng bố trí lực lượng tuần tra, canh giữ. Cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ để lực lượng bảo vệ rừng có điều kiện hoạt động tốt hơn, giữ được rừng yên ổn hơn và nhất là giữ được những cây gỗ quý hiếm của đại ngàn Trường Sơn”, ông Thành nhắn gửi.
Bạn đang đọc bài viết Giữ rừng - 'cọc cạch' bên có, bên không tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét