Những tuần làm việc đầu năm mới, trong khi người lao động (NLĐ) ở các ngành nghề khác đã bắt tay vào công việc thì lao động ngành gỗ vẫn đang nghỉ để chờ việc do doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất.
Nhiều lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống do doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc đơn hàng giảm. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH ONP Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc trước Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: L.Mai |
Hiện nhiều lao động trong ngành gỗ mong chờ sớm trở lại với công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống.
* NLĐ mỏi mòn chờ việc
Nghỉ Tết đến nay đã 20 ngày nhưng anh Trần Văn Niên (quê tỉnh Cà Mau) vẫn chưa trở lại với công việc do công ty cho NLĐ nghỉ Tết dài ngày để tìm đơn hàng và sắp xếp lại sản xuất. Những ngày qua, anh Niên chỉ biết ở tại phòng trọ để chờ việc. Vợ anh Niên cũng đang làm công nhân thời vụ, thu nhập không ổn định nên cuộc sống xa quê của 2 vợ chồng gặp nhiều khó khăn, nhất là đến tháng, tiền nhà trọ, sinh hoạt phí không đủ chi trả.
Anh Niên có 6 năm làm việc tại một DN sản xuất gỗ ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Giữa năm 2022, DN giảm đơn hàng đến 40% nên NLĐ chỉ làm việc 4 ngày/tuần và không tăng ca như trước. Từ đó, thu nhập của anh giảm từ hơn 6 triệu đồng xuống còn 4 triệu đồng/tháng. Dịp Tết vừa qua, công ty của anh thưởng Tết cho NLĐ chỉ được 1 triệu đồng/người.
“Thu nhập giảm, tôi và vợ đành ở lại phòng trọ đón Tết chứ không về quê, chỉ gửi được một khoản tiền nhỏ về cho ông bà nuôi 2 con. Vợ chồng tôi dự tính, năm nay nếu công việc thuận lợi thì hè sẽ về thăm các con và gia đình” - anh Niên chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Mai Thi (quê tỉnh Nghệ An, có trên 5 năm làm công nhân sản xuất gỗ) vẫn đang nghỉ ở phòng trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) để chờ việc. Chị Thi cho biết, giữa tháng 11-2022, chị và một số lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động do DN không có đơn hàng. Từ đó đến nay, chị phải xoay xở với cuộc sống bằng tiền tích lũy trong thời gian có việc bình thường. Năm 2023, công ty dự kiến hoạt động trở lại từ ngày 20-2 và sẽ gọi những lao động tạm hoãn hợp đồng lao động đi làm lại.
* Mong công việc trở lại bình thường
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cùng các hiệp hội địa phương cho thấy, năm 2022, có tới 80% DN chế biến gỗ dự báo có mức doanh thu giảm từ 30% trở lên, đơn đặt hàng đã giảm hơn 44%, cá biệt có những DN giảm 100%.
Để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ NLĐ 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, UBND TP.Biên Hòa và các địa phương trong tỉnh đã vận động các chủ nhà trọ giữ nguyên giá thuê trọ cho NLĐ đến cuối năm 2023 để chia sẻ khó khăn cùng NLĐ. |
Để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho NLĐ, các DN ngành gỗ nỗ lực tìm đơn hàng từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á và tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường trong nước. Một số DN buộc phải chọn cách giảm giờ làm, giãn việc nhưng vẫn giữ ổn định lực lượng lao động.
Tại hội nghị giao ban Công đoàn các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh năm 2022 do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, đại diện các DN đều nêu thực trạng thiếu đơn hàng đến quý I-2023. Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty có khoảng 1.700 lao động nhưng do không có đơn hàng nên cắt giảm hơn 1 ngàn lao động và duy trì công việc cho khoảng 650 người. Dù đã cắt giảm gần 60% lao động, DN này vẫn khó khăn nên phải hoạt động cầm chừng và cho NLĐ nghỉ Tết đến 1 tháng. Đơn hàng giảm, ít việc khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng nên DN này mong muốn các cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ DN và NLĐ.
Cùng ý kiến trên, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Timber Industries (TP.Biên Hòa) cho hay, DN chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ và toàn công ty có trên 4 ngàn NLĐ. Do bị ảnh hưởng các đơn hàng xuất khẩu nên DN không tổ chức tăng ca nhiều như trước; thu nhập và đời sống phần lớn NLĐ tại công ty cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nếu thu nhập NLĐ chỉ gói gọn trong mức lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng sẽ không đủ chi tiêu và trang trải cuộc sống lâu dài.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thương lượng với DN tìm giải pháp phù hợp, bằng mọi cách phải giữ chân NLĐ ở lại, nhất là lao động lâu năm, lao động có tay nghề. Riêng trong dịp Tết vừa qua, các cấp Công đoàn đã tích cực hỗ trợ NLĐ khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Các cán bộ Công đoàn cơ sở đã thương lượng chủ DN đảm bảo thưởng Tết cho NLĐ và không cắt giảm lao động. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn đồng hành với NLĐ để cùng DN vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất trong năm 2023.
Hiện mong mỏi lớn nhất của nhiều lao động ngành gỗ là sớm đi làm trở lại và việc làm sẽ khởi sắc hơn.
Bà Trần Thị Mai đang ở trọ tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay bà đã 48 tuổi và có 14 năm làm việc trong ngành gỗ. Nếu nghỉ việc để xin vào làm ở công ty mới sẽ rất khó vì tuổi bà đã cao, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN.
“Tôi làm công việc sơn các sản phẩm gỗ xuất khẩu của công ty với thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì thu nhập cũng ổn để lo cho gia đình. Hiện tôi chỉ mong DN có lại đơn hàng để NLĐ có việc làm thường xuyên, nhất là lao động xa quê khó khăn, lao động lớn tuổi” - bà Mai bộc bạch.
Lan Mai
Nhận xét
Đăng nhận xét