Gỗ nguyên liệu NK từ các thị trường rủi ro chủ yếu phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo “Việt Nam nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực hết năm 2022” do Tổ chức Forest Trends và các Hiệp hội gỗ phối hợp thực hiện vừa công bố cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã NK lượng gỗ tròn và gỗ xẻ (gỗ nguyên liệu) tương đương 6,3 triệu m3 với giá trị gần 2 tỷ USD.
Trong đó, NK từ 41 quốc gia/vùng lãnh thổ tích cực với hơn 3,8 triệu m3 và 55 quốc gia/vùng lãnh thổ không tích cực (rủi ro) với hơn 2,5 triệu m3 gỗ. Xét theo nguồn gốc xuất xứ, luồng cung nguyên liệu từ các thị trường tích cực và rủi ro chiếm trung bình lần lượt khoảng 65% và 35% tổng lượng NK về Việt Nam.
Thông qua việc ký kết và thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) ký với EU và Thỏa thuận Gỗ hợp pháp được ký với chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam đã cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng.
Các cam kết này đã và đang được nội luật hóa thành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), các văn bản hướng dẫn thực hiện và kế hoạch sửa đổi các khung pháp lý này trong tương lai. Trong đó, kiểm soát tính hợp pháp của gỗ NK là một trong những hợp phần cốt lõi của các quy định này.
Theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP, nguồn gỗ nguyên liệu NK vào Việt Nam được kiểm soát dựa trên các tiêu chí rủi ro về xuất xứ (được xác định theo vùng địa lý tích cực và không tích cực) và theo loài gỗ (loài nằm trong/ngoài danh sách CITES, loài lần đầu NK hoặc đã NK trước đó).
Theo các tiêu chí này, hiện gần một nửa số quốc gia/vùng lãnh thổ cung ứng gỗ nguyên liệu cho Việt Nam nằm trong danh sách vùng địa lý tích cực (khoảng 60%, tương đương 4 triệu m3) và một nửa số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại không thuộc danh sách vùng địa lý tích cực (khoảng 40%, tương đương 2 triệu m3).
Trong khi đó, khâu NK gỗ nguyên liệu có sự tham gia đông đảo của hàng nghìn DN, chủ yếu có quy mô nhỏ. Năm 2022, có trên 900 DN NK gỗ từ vùng địa lý tích cực và trên 600 DN NK từ khu vực rủi ro. Các yếu tố này khiến chuỗi cung NK hiện nay tương đối phức tạp, đặc biệt đối với các chuỗi cung dài.
“Do vậy, để giảm thiểu rủi ro đối với luồng cung, theo chuyên gia Forest Trends, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường rà soát các chuỗi cung ứng và thiết lập các hoạt động trao đổi thông tin, giao lưu với các DN NK nhằm hiểu rõ chuỗi cung ứng và xác định các rủi ro trong chuỗi. Đây sẽ là cơ sở để thiết lập các cơ chế kiểm tra, giám sát chung giữa Việt Nam và quốc gia cung ứng gỗ. “Việt Nam có thể cân nhắc khả năng tập trung hóa khâu NK, chỉ cho phép các DN NK lớn, có uy tín, tuân thủ pháp luật cao làm các đầu mối NK”, ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia Foret Trends đưa ra lời khuyên.
Cũng theo chuyên gia Forest Trends, Chính phủ Việt Nam cũng có thể đề nghị Chính phủ các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam cung cấp thông tin về các DN XK có uy tín tại các quốc gia này từ đó kết nối với các DN đầu mối NK tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem xét phương án tạo đầu mối các DN NK, Chính phủ cần đảm bảo có cơ chế phù hợp để đề phòng tình trạng độc quyền, kiểm soát giá gỗ trong khâu NK.
Ngoài ra, để giảm luồng cung gỗ rủi ro NK trong tương lai cũng cần có các biện pháp thực tế để chuyển đổi luồng cung gỗ rủi ro tại các làng nghề trong nước. Bộ Công Thương nên phối hợp Bộ NN&PTNT, các bộ, ban ngành liên quan hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ ít rủi ro hơn, bao gồm gỗ rừng trồng trong nước và NK từ các vùng địa lý tích cực.
"Các cơ chế và chính sách mới cần được đưa ra, tạo môi trường thể chế khuyến khích các hộ làng nghề liên kết với DN để sản xuất sản phẩm gỗ chuyển đổi, ưu tiên sản phẩm gỗ chuyển đổi của làng nghề trong mua sắm công, thúc đẩy quảng bá sản phẩm gỗ chuyển đổi", ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị.
“Ngành gỗ đang đối mặt với các khó khăn về thị trường đầu ra sản phẩm và các rủi ro trong khâu nguyên liệu đầu vào. Điều này đòi hỏi Chính phủ và cộng đồng hiệp hội, DN trong ngành cần có những hành động kịp thời trong thời gian tới để giảm thiểu các khó khăn và rủi ro này nhằm duy trì hoạt động và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới”.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trends.
Nhận xét
Đăng nhận xét