(Dân trí) - Khu rừng nguyên sinh Lòi Chùa nằm giữa khu dân cư, được người dân địa phương xem là rừng thiêng, mọi người ra sức bảo vệ, nhờ đó rừng ngày càng phát triển, nhiều chim thú về trú ngụ.
Rừng nguyên sinh Lòi Chùa nằm gần khu dân cư ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), được người dân bảo vệ, chăm sóc hàng chục năm qua.
Có nhiều năm gắn bó với rừng, ông Võ Công Úy (65 tuổi) cho hay, người dân thôn Đông Thành tâm niệm, Lòi Chùa là rừng thiêng nên không ai vào đó chặt cây. Nhờ đó rừng ngày càng phát triển xanh tốt, nhiều chim thú về trú ngụ.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khu rừng đã che chở cho bộ đội, giờ đây, rừng lại cung cấp nguồn nước ngầm cho bà con sinh hoạt, sản xuất, là "lá phổi xanh", điều hòa không khí của người dân địa phương.
Rừng được gọi là Lòi Chùa vì trước đây trong rừng có một ngôi chùa nhỏ, là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, hội họp của người dân.
"Những năm bom đạn, rừng Lòi Chùa che chở, là nơi ẩn nấp của bộ đội và người dân. Hiện dưới tán rừng không còn dấu tích ngôi chùa nữa nhưng vẫn còn dấu tích hầm, hào do bộ đội đào đắp để đánh Mỹ", ông Úy chia sẻ.
Theo ông Úy, rừng Lòi Chùa đã gắn bó với người dân thôn Đông Thành nói riêng và xã Nam Trạch nói chung hàng trăm năm. Để bảo vệ rừng, từ những năm 1970, bà con trong làng đã góp thóc lại để thuê người giữ rừng, sau này quy thóc ra tiền để thuê người giữ rừng.
Công việc hàng ngày của những người giữ rừng như ông Úy là vào rừng kiểm tra, nhắc nhở người dân hạn chế mang vật liệu cháy vào rừng, không chặt cây cối, săn bắt chim thú. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm, ông báo cáo lại với chính quyền để xử lý.
"Hơn 10 năm giữ rừng, tôi mới gặp duy nhất một lần rừng bị phá. Đó là năm 2017, một người dân lén vào rừng cắt trộm một cây gỗ rồi dùng trâu vận chuyển ra. Sau khi phát hiện, tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương lập biên bản và xử phạt hành chính. Từ đó đến nay, không có trường hợp nào vào phá rừng nữa", ông Úy cho biết thêm.
Theo UBND xã Nam Trạch, rừng Lòi Chùa có tổng diện tích 4,2ha, trong rừng hiện có nhiều cây gỗ quý cao hàng chục mét, đường kính gốc 0,5-1,5m như huỳnh, dổi, ngát, chăm, phao lái, bài lài, trám…
Nhờ được bảo vệ tốt, rừng Lòi Chùa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hiện, cả thôn Đông Thành có 197 hộ dân đều sử dụng nước giếng. Điều đáng nói là nước giếng của bà con trong vắt quanh năm và không bao giờ cạn. Rừng cũng đã cung cấp nguồn nước ngầm tưới tiêu cho 4ha đất trồng lúa của bà con.
"Rừng này đã có lâu đời và gắn bó với làng nên chúng tôi phải ra sức bảo vệ, không cho ai xâm phạm. Rừng Lòi Chùa hết sức quan trọng với đời sống người dân làng tôi, ai cũng có trách nhiệm giữ gìn. Như nhà tôi, dù sát bên rừng nhưng chưa khi nào tôi vào rừng chặt cây, lấy củi hay săn bắt động vật", anh Võ Tuấn Chung, thôn Đông Thành nói.
Dạo quanh dưới tán rừng Lòi Chùa, ngắm những thân cây gỗ cao vút, thẳng tắp, nghe tiếng chim hót mới thấy giá trị và ý nghĩa của rừng. Ông Đoàn Ngọc Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch tâm sự, bà con trong xã luôn xem rừng Lòi Chùa là "báu vật", là "lá phổi xanh" của làng, là bức tường xanh chắn gió lạnh khi mùa đông về, làm mát những mùa hè oi bức.
Vì thế mà bao đời nay, không chỉ có người dân thôn Đông Thành mà người dân cả xã Nam Trạch đều quyết tâm giữ rừng. Rừng Lòi Chùa những năm qua cũng trở thành điểm đến của nhiều đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường vào tham quan, thực tập về lâm sinh, trồng trọt...
Hàng năm xã trồng thêm nhiều cây quý để làm giàu cho rừng. Tới đây, chính quyền địa phương cũng sẽ trồng thêm khoảng 1ha cây bản địa xung quanh để mở rộng diện tích rừng.
Đơn vị kiểm lâm tại Quảng Bình cũng đã tham mưu cho UBND xã Nam Trạch, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, làm vành đai bảo vệ rừng, thành lập ban bảo vệ rừng của xã, tổ bảo vệ rừng các thôn; xây dựng quy chế phối hợp để tuần tra, kiểm soát rừng.
Nhận xét
Đăng nhận xét