Trước tình hình Trung Quốc mở cửa lại biên giới đường bộ, nhiều chuyên gia nhận định năm 2023, ngành gỗ Việt Nam đang đặt kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương kim ngạch xuất khẩu 18 tỉ USD. Tuy nhiên phía Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đưa ra dự báo khó khăn sẽ còn “đeo bám” ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ đến giữa năm 2023.
Thực tế, ông Vũ Tiến Thập - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nội thất D'Furni - trước đó nhìn nhận, tồn kho hiện tại của doanh nghiệp toàn hàng giá cao, trong khi ở Mỹ và các nước phương Tây đang rơi vào tình trạng lạm phát, lãi suất tăng, ngành địa ốc đóng băng dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà bán lẻ nói chung đang chất như núi, khiến các nhà sản xuất Việt Nam tạm thời không có hoặc có ít đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - cho rằng, đầu năm sẽ không có nhiều tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang kỳ vọng đến tháng 3-4.2023 sau mùa hội chợ đầu năm sẽ có đơn hàng nhiều hơn.
Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cũng đang nỗ lực làm hội chợ HawaExpo vào cuối tháng 2.2023, kỳ vọng đây là hội chợ giúp doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu lấy được hàng, hy vọng lạm phát của thế giới sẽ về mức kiểm soát.
Đặc biệt việc tìm kiếm thị trường mới gần Việt Nam hơn như thị trường Châu Á cũng đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh như hiện nay. Ngoài ra những thị trường như: Australia, Canada, thị trường Trung Đông cũng đang được đánh giá là khu vực rất tiềm năng cho ngành gỗ Việt Nam.
Tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) - thông tin, 2022 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ, nhưng kết thúc năm vẫn đạt tăng trưởng trên 7%. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU không tăng do tác động của suy thoái.
Năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn, dự tính phải hết quý II/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương 18 tỉ USD trở lên.
Ông Lập cho biết thêm, ngành gỗ Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng loạt các giải pháp như đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp.
Ngành gỗ cần phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024 sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm. Doanh nghiệp kinh doanh gỗ cũng cần áp dụng công nghệ khoa học và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, phát thải duy trì ở mức thấp.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đã kiến nghị đến cơ quan liên quan về xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét