Rừng lim cổ thụ ở xã Tân Hóa được đưa vào tour du lịch khám phá từ đầu năm nay, giúp du khách hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng trải nghiệm mạo hiểm.
Cách đây mấy năm, tôi về xã miền núi Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) để khám phá rừng gỗ lim của ông Trần Văn Đô. Ông Đô bây giờ đã 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh lắm. Đứng giữa rừng lim cổ thụ, ông Đô bảo: “Gia đình tui bảo vệ, phục hồi đã hàng chục năm nay mới có được như vầy. Làm răng mà cho được nhiều người biết đến và họ muốn thì cho đến tham quan mà biết”.
Còn rừng lim… duy nhất
Núi rừng Quảng Bình nổi tiếng với những loại gỗ như nhóm tứ thiết “đinh, lim, sến, ráu” từ đời xưa hay đến nhóm nổi danh sau này như mun, huê, giáng hương… Nhưng rồi qua chiến tranh, qua tư duy khai thác vô tội vạ của con người mà rừng dần mất đi, vắng bóng đi những loài cây gỗ quý hiếm.
Ấy vậy mà có một rừng lim quý với những cây gỗ lim vài chục năm tuổi, đường kính gốc đến cả vòng tay người ôm ở sát bản làng. Rừng sát đến nỗi từ khu dân cư chỉ đi vỏn vẹn chừng vài chục phút… cuôc bộ. Nơi mà bà con ở đây gọi nôm na là rừng lim ông Đô.
Buổi sáng đầu năm trời dịu mát. Ông Đô và con trai Trần Văn Hưng đưa chúng tôi lên rừng lim theo lối đi quen mỗi khi thăm rừng. Lối mòn chạy quanh co trong rừng, khi chui qua tán rừng rậm rạp, lúc lại ngược lên con dốc nhỏ vòng qua những cây lim da dẻ mốc xì. Ông Đô cầm cây rựa bén ngọt đi trước. Gặp những cây chen lối đi hay những cây bụi dại là ông vung rựa phát lia lịa. Chốc lát, rừng đã thoáng hơn, để lại giữa đám cây lá bị chặt là cây lim non cao vượt quá đầu người vươn cành xanh mướt.
Bên gốc hai cây lim đứng sát nhau cao lớn vươn thẳng lên trời, ông Đô thủng thẳng: “Năm sáu sáu (1966), cây lim lớn được đốn hạ để lấy gỗ làm hầm cho bà con. Mấy năm sau thì từ gốc bật lên hai chồi non. Tui bảo vệ cho đến bây giờ đó. Cũng có nhiều người đánh tiếng mua những cây lim lớn với giá cao, nhưng tôi không bán đâu. Tôi phải giữ lại cho con, cho cháu và cho mọi người sau này biết đến cây lim chớ”. Tôi cùng Hưng đến bên gốc cây lớn rồi choàng tay qua ôm lấy thân, bốn bàn tay chúng tôi cũng suýt soát chạm nhau qua gốc cây lớn.
“Mé rừng bên kia cũng có cây lim lớn nữa đó”, Hưng nói với chúng tôi. Cây lim này một thân gốc nhưng có hai ngọn đứng chiếm một góc rừng. Tôi và Hưng lại đo gốc cây, cũng trọn vòng tay ôm của cả hai người. “Cây này thường cho hạt và hạt lại nảy mầm cho nhiều cây lim con lắm”, Hưng nói như khoe.
Rừng lim ông Đô có đến vài trăm cây. Cây lớn thì có trên 60 năm tuổi, cây vừa thì vài chục năm, lớn bằng cột nhà. Cũng có nhiều cây mới mọc cao chỉ đến thắt lưng người lớn hay nhỉnh hơn là vượt quá đầu người mọc chen trong tán rừng. Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho hay, đây cũng là rừng lim hiếm của cả nước.
“Nói hiếm và rừng lim duy nhất bởi có nhiều yếu tố hiếm gặp. Thứ nhất là rừng nằm cạnh khu dân cư, thứ hai là quần tụ cây lim với mật độ dày và nhiều thế hệ cây, nhiều cây lim lớn, có tuổi cao. Thứ ba là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên không có hiện tượng xâm hại đến cây rừng”, ông Chung nhìn nhận.
Một lần tình cờ, tôi gặp anh Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis Adventure. Đây là doanh nghiệp đã có những dự án táo bạo và khá thành công về du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, khám phá… tại Quảng Bình. Tôi tặng anh tờ báo NNVN có bài viết “Rừng lim dưới dãy Đá Giang” và gợi ý: “Nên về với rừng lim ông Đô. Đó là nơi sẽ trở thành điểm du lịch khám phá thu phục được những người đam mê rừng, thích khám phá những nơi lạ, hiếm có”.
Giấc mơ là… có thật
Máy điện thoại tôi rung báo có tin nhắn mới. Tôi bật xem, tin nhắn của anh Nguyễn Châu Á. Nội dung tin nhắn ngắn: “Lần trước gặp anh có nói về tiềm năng du lịch rừng lim. Nay em cho triển khai làm rồi đó anh”.
Qua trò chuyện, anh Nguyễn Châu Á, cho hay, nhằm đa dạng hóa các dịch vụ du lịch tại xã Tân Hóa, đầu năm 2023, Oxalis đã thiết kế chương trình tour “Khám phá ngôi nhà của Kong bằng mô hình mô tô địa hình 4 bánh”, đây là một chương trình tour mạo hiểm hoàn toàn mới, dự báo sẽ rất hấp dẫn đối với khách du lịch. “Ngôi nhà của Kong” là phim trường để quay bộ phim “King Kong” của Hollywood tại vùng hang động Tú Làn, xã Tân Hóa.
Theo đó, với thời lượng tour là hai giờ đồng hồ, du khách sẽ được ngồi trên xe mô tô để khám phá rừng lim, rừng cọ, đồi hoa sim và đi đường hầm nơi ở của Kong. Tour khám phá này sẽ khởi hành ở hai khung giờ gồm 9 giờ và 14 giờ, mỗi tour tối đa 10 khách. “Ngày 18/2, tour mô tô địa hình khám phá rừng lim - “Ngôi nhà của Kong” đã chính thức đưa vào khai thác. Sức hấp dẫn của nó là rất lớn bởi đây là tour ATV rừng lim đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam”, ông Nguyễn Châu Á nói thêm.
Trạm dừng chân của du khách đặt ngay tại vùng sân vườn nhà anh Trần Văn Lương (con trai ông Đô). Tại đây, du khách sẽ nhận xe mô tô 4 bánh và các thiết bị bảo hiểm để bắt đầu cuộc khám phá. Anh Lương khoe: “Tôi có nhiệm vụ bảo vệ xe và bãi đỗ. Mỗi tháng phía công ty trả lương 4,5 triệu đồng. Như vậy là đã có thu nhập ổn định và cũng khá cao so với đời sống của bà con ở đây”.
Xuất phát từ mé cửa rừng, khách du lịch sẽ điều khiển mô tô địa hình chạy theo con đường nhỏ trong rừng lim. Theo tuyến đi, du khách được chạy vòng qua những điểm có cây lim lớn, xuyên qua tán rừng rậm hay dưới tán những cây cọ với những tán lá lớn, xanh thẫm cho mọi người có cảm giác thật thư thái. Hoặc có khi xe vượt lên những con dốc nhỏ, vượt qua suối đường trơn mang đến cảm giác được chinh phục tuyến đường rừng mà hiếm khi được đặt chân vào. Khách du lịch cũng có thể dừng xe để chụp ảnh bên những cây lim lớn hay dưới tán cây cọ để lưu giữ những khoảnh khắc đến với rừng lim.
Anh Nguyễn Vân Giang (ở thành phố Đồng Hới), là một trong những du khách đầu tiên khám phá rừng lim bằng mô tô địa hình. Với những trải nghiệm mới nên rất phấn chấn. Anh cho hay: “Ai cũng có cảm giác thật tự tin vì chinh phục được những đoạn đường khó, như được hòa mình với thiên nhiên. Đây cũng lần đầu tiên tôi được biết đến cây gỗ lim mà trước đây chỉ biết qua sách ảnh. Giờ thì đã sờ được tận tay cái thân vỏ xù xì của cây như cảm nhận được sức sống từ đại ngàn”. Anh Giang cũng nói thêm, đến kỳ nghỉ hè tới, anh sẽ đưa cả gia đình lên đây cho các con khám phá rừng lim.
Xã Tân Hóa hiện đang từng bước hình thành mô hình “Làng du lịch nông thôn” thông qua các hoạt động du lịch hang động, dịch vụ homestay, ăn uống, nghỉ dưỡng tại nhà người dân địa phương. Là một vùng quê rốn lũ, nên Tân Hóa đã biến khó khăn thành lợi thế để xây dựng, quy hoạch những ngôi làng đẹp nép mình bên núi đá vôi, những cánh đồng cỏ xanh mướt bất tận, vùng sản xuất cây trồng chạy quanh sông Rào Nan cũng tạo sự cuốn hút đối với du khách.
Trong một tương lai không xa, huyện miền núi Minh Hóa sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa thì địa phương triển khai quy hoạch những vùng rừng cộng đồng được bảo vệ tốt và cho các doanh nghiệp làm thủ tục thuê để phát triển du lịch.
“Chúng tôi đã giao cho ban Quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa đưa khoảng 700ha rừng cộng đồng, rừng có cây gỗ bản địa vào quy hoạch để tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển du lịch. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân cũng như đẩy mạnh thêm việc bảo vệ rừng cộng đồng và phát huy tiềm năng của rừng”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Bạn đang đọc bài viết Khi rừng lim cất tiếng gọi tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét