VHO- Ngày 31.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phát động Tết trồng cây xuân Quý Mão 2023 và tiến hành trồng 3.000 cây giống lim xanh và thông trên diện tích hơn 20.000m2, tập trung tại các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị và lăng Đồng Khánh.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trồng cây giống lim xanh tại khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Thiệu Trị
Đợt phát động và trồng cây lần này sẽ góp phần phủ xanh diện tích đất trống, tăng độ che phủ, bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Đồng thời, việc triển khai trồng cây gỗ quý bản địa còn mang ý nghĩa sâu xa là tạo nguồn gỗ quý về lâu dài phục vụ cho công tác bảo tồn trùng tu di tích.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhằm mở rộng diện tích phủ xanh các khu vực di tích bằng các chủng loại cây xanh gỗ quý bản địa nhằm bảo vệ các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và tôn tạo cảnh quan thiên thiên các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Cũng trong ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão 2023, với mục tiêu góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - sáng, xứng tầm với thành phố du lịch của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN. Trong năm 2022, diện tích rừng tại Thừa Thiên Huế được quản lý bảo vệ ổn định, với tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 57%. Toàn tỉnh đã trồng thêm hơn 5.860 ha rừng (tăng 6,8% so với năm 2021); trong đó, trồng mới gần 1,7 triệu cây xanh, đạt gần 120% so với kế hoạch…
Tại lễ phát động, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các đại biểu đã tiến hành trồng các loại mai vàng, sala, tùng bút và huỳnh liên tại khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây, TP Huế).
Nhận xét
Đăng nhận xét