Cùng trong tháng 2/2023, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã xảy ra 2 vụ khai thác trái phép rừng thông. Về vụ phá rừng ở huyện Quỳnh Lưu, diễn ra trong ngày 28/2 và ngày 2/3 cùng một khu vực thuộc địa bàn xã Quỳnh Châu, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An quản lý, bảo vệ (Báo Nghệ An thông tin tại bài viết “Nhức nhối vụ phá rừng, đánh người ở Quỳnh Châu” số ra ngày 12/3/2023). Vụ việc này, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi diện tích rừng bị hủy hoại lên đến 2,2 ha, bên cạnh đó, đối tượng phá rừng còn cố tình đánh trọng thương cán bộ bảo vệ rừng nhằm tẩu tán tang vật khỏi hiện trường.
Vùng rừng bị phá thuộc Lô 1, Khoảnh 3, Tiểu khu 343B, do Trạm Bảo vệ rừng Lèn Ngồi (Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An) trực tiếp quản lý, bảo vệ. Đây là vùng rừng trồng 2 loài cây thông và keo của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng năm 2000 (Dự án 661). Theo mô tả, rừng phủ kín một quả đồi lớn, nhưng quan sát trong ngày 9/3 thì chỉ còn sót lại một khoảnh phía trên đỉnh. Chân đồi, thân đồi chỏng chơ gốc thông, keo, ngổn ngang những đống cành, lá cùng những thân cây đã cắt khúc. Điều dễ nhận thấy, đây là một vụ phá rừng quy mô lớn, có đông người cùng thiết bị xe, máy tham gia, và mục tiêu là nhằm chiếm đất trồng keo. Tại thời điểm này, thông tin từ Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai, cán bộ xã Quỳnh Châu và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An thì vụ việc được phát hiện ngày 28/2/2023; đến ngày 2/3, các đối tượng quay trở lại tiếp tục hành vi phá rừng. Ở lần phá rừng ngày 2/3, khi bị phát hiện các đối tượng bỏ chạy, để lại phương tiện ô tô, máy cưa. Đến ngày 6/3 thì các đối tượng huy động thêm người quay lại để đánh tháo phương tiện, và đã hành hung 1 bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đến mức phải nhập viện…
Còn tại thị xã Hoàng Mai, ngày 17/2/2023, phát hiện vụ khai thác rừng trồng tại Khoảnh 6, Tiểu khu 342 (địa bàn xã Quỳnh Trang) để trồng keo. Ban đầu, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai và UBND xã Quỳnh Trang tổ chức kiểm tra tại hiện trường phát hiện có 42 gốc thông đã bị cháy sém, nằm rải rác trong diện tích 9 ha rừng trồng keo đã được khai thác, trên hiện trường đã trồng keo có chiều cao từ 30 – 40 cm. Sau đó, vì có thông tin gần khu vực này còn nhiều gốc thông bị lấp đất chưa được đo đếm, ngày 27/2/2023, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai và UBND xã Quỳnh Trang tiếp tục kiểm tra, xác minh, đo đếm thêm được 112 gốc thông đã bị chặt.
Ngày 1/3, UBND thị xã Hoàng Mai và Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai kiểm tra hồ sơ, đo đếm xác định lại hiện trường. Kết quả diện tích khu vực khai thác là 26,47 ha, tổng số có 198 gốc thông đường kính sát gốc từ 10-45 cm bị cắt hạ. Đối chiếu bản đồ kiểm kê rừng năm 2015 được phê duyệt tại Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh, vị trí bị khai thác là rừng trồng keo, bạch đàn và DT1 (đất trống, cây bụi). Khu vực này trước đây UBND huyện Quỳnh Lưu giao quyền quản lý sử dụng đất lâm nghiệp cho ông Đậu Đức Thành, trú tại xóm 3, xã Quỳnh Tân (tại Quyết định số 37 QĐ/UB ngày 11/11/1997). Còn chủ rừng hiện tại gồm các ông: Đậu Đức Trường, Nguyễn Cảnh Thắng, Nguyễn Đình Dung, Hoàng Văn Cam, Hồ Sỹ Mạnh, Nguyễn Thái Lan và Trương Đắc Nguyệt (có biên bản chuyển nhượng có xác nhận của UBND xã Quỳnh Tân).
Dõi theo 2 vụ việc trên, nắm thông tin từ các cán bộ có liên quan ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, họ đều nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng đang có chiều hướng gia tăng phức tạp. Như Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai, ông Lê Ngọc Hữu trao đổi rằng, dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ yếu do những tồn tại, bất cập mang tính lịch sử để lại…
Thực tế, tại báo cáo đánh giá một số chuyên đề công tác lâm nghiệp hồi tháng 8/2022, Sở NN&PTNT đã nhìn nhận rõ những tồn tại, bất cập như Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai đã trao đổi. “Tình trạng tự ý khai thác rừng trồng trên diện tích quy hoạch cho rừng phòng hộ do người dân tự bỏ vốn trồng diễn ra trong thời gian qua tại một số địa bàn như Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Yên Thành, đặc biệt là địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An” – Báo cáo của Sở NN&PTNT nêu vấn đề. Và nhìn nhận, việc xử lý tình trạng này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do quy định pháp luật chưa rõ ràng, vì việc xác định chủ sở hữu rừng đang có những vướng mắc.
Sở NN&PTNT phân loại từng trường hợp vướng mắc như sau: Trường hợp 1, trên các lâm phần thuộc chủ rừng quản lý, chủ rừng ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với người dân để thực hiện các dự án trồng rừng (Đơn cử Dự án Nâng cấp rừng trồng phòng hộ JICA 2). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, người dân đã tự ý trồng thêm cây không có trong cơ cấu cây trồng của dự án (tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu người dân tự trồng keo xen với cây sao đen). Khi đến kỳ khai thác, người dân tự ý khai thác. Quá trình khai thác không làm ảnh hưởng đến cây trồng thuộc cơ cấu dự án.
Trường hợp 2: Một số diện tích đất rừng trước đây đã được cơ quan Nhà nước giao đất (Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 163/1999, Giao đất sản xuất lâm nghiệp, Khế ước giao đất có rừng, Giao sổ lâm bạ theo QĐ184/HĐ-BT…) cho một số hộ gia đình, cá nhân (một số không có hồ sơ gốc). Người dân đã quản lý, bảo vệ, kết hợp trồng rừng, khai thác rừng trồng qua nhiều chu kỳ. Khi thành lập ban quản lý rừng, phần diện tích này được giao cho các ban quản lý nhưng chưa tiến hành thu hồi đất, chưa lập phương án đền bù cho người dân. Người dân đã tự bỏ vốn trồng rừng (chủ yếu trồng keo thuần loài), đến kỳ khai thác, người dân tự ý khai thác.
Trường hợp 3: Một số diện tích được người dân tự ý khai hoang và sử dụng từ trước khi thành lập ban quản lý rừng (người dân không có hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất), nay thuộc quyền quản lý của các ban quản lý rừng. Người dân đã tự trồng rừng trước đó, đến kỳ khai thác, người dân tự ý khai thác. Việc người dân khai thác rừng trồng do người dân tự bỏ vốn trên diện tích đất rừng phòng hộ là tự phát, quá trình khai thác không thực hiện quy định về phương thức khai thác rừng trồng phòng hộ (quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan), chủ yếu là khai thác trắng.
Khi xảy ra tình trạng người dân tự ý khai thác, chủ rừng đã phát hiện các vụ việc, lập biên bản đình chỉ, đồng thời báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc xác định chủ sở hữu rừng nên không đủ căn cứ để xử lý hành vi khai thác rừng trái pháp luật (quy định tại Điều 13, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP) cũng như vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp cũng không thể thực hiện được do Nghị định số 35/2019/NĐ-CP hiện nay chỉ quy định xử phạt hành vi vi phạm hồ sơ, thủ tục đối với rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Một cán bộ thuộc Sở NN&PTNT trao đổi: “Những nội dung này đã được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có được những giải pháp xử lý hữu hiệu. Chính vì vậy, hành vi tự ý khai thác rừng trồng ở những hộ gia đình, cá nhân thuộc 3 nhóm trường hợp nêu trên có diễn biến gia tăng, thậm chí, còn có dấu hiệu lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái pháp luật để trồng rừng”.
Thực tế một số vụ việc phá rừng; tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai trong những năm qua, thấy phân tích của Sở NN&PTNT và trao đổi của cán bộ sở này sát, đúng. Bởi tình trạng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất chồng lấn, chụp lên các loại đất đã giao cho người dân quản lý sử dụng có tại không ít địa phương ở cơ sở. Ngay như ở xã Quỳnh Châu, nơi xảy ra vụ việc phá rừng ngày 28/2 và ngày 2/3 cũng có tình trạng chồng lấn, tranh chấp trên diện tích hơn 100 ha đất lâm nghiệp. Hỏi vị cán bộ Sở NN&PTNT: Không lẽ không thể đưa ra được phương án giải quyết tình trạng này? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông nói: Điều cần làm trước mắt là cấp có thẩm quyền cần quan tâm chỉ đạo rà soát, thống kê, bóc tách chi tiết toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho đơn vị lâm nghiệp và người dân…
Nhận xét
Đăng nhận xét