VOV.VN - 2 tháng qua, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai liên tiếp ghi nhận những vụ phá rừng. Điểm chung của các vụ việc là khi cơ quan chức năng, chủ rừng phát hiện thì rừng đã bị tàn phá.
Giữa tháng 2/2023, mở rộng điều tra từ việc bắt xe chở 21 lóng gỗ tại khu vực Thủy điện Đak Pi Hao II (giáp ranh huyện Ia Pa), lực lượng chức năng huyện Kông Chro phát hiện vụ phá 7 cây rừng tại tiểu khu 780 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý. Tiếp đó, cơ quan chức năng phát hiện vụ phá rừng tại tiểu khu 792 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Hde. Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ, hầu hết số gỗ đã được mang ra khỏi rừng.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ phát hiện, ngăn chặn việc phá rừng, ông Lê Văn Thuỷ- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Hde thừa nhận có yếu tố chủ quan: “Chúng tôi quán triệt rõ ràng với cán bộ có sự việc gì cần báo cáo với lãnh đạo công ty để xử lý và báo cáo cấp trên. Nhưng nhiều khi, cán bộ, công nhân viên nghĩ người dân địa phương lấy gỗ làm nhà nên chủ quan".
Tương tự Kông Chro, hiện nay, tình trạng rừng bị tàn phá cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác ở Gia Lai, như Kbang, Chư Prông, Chư Sê… Cuối tháng 2/2023, lực lượng chức năng huyện Kbang kiểm tra, phát hiện tại tiểu khu 114, lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, địa giới hành chính xã Sơ Pai, huyện Kbang, có 16 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, đường kính từ 40-90cm. Một số cây gỗ đã bị lâm tặc “xẻ thịt” mang đi.
Ông Nguyễn Văn Hợi- Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách khó tìm được đủ người làm. Người dân muốn phát lại những diện tích công ty giữ, nay đã là rừng non. Người dân phát lẫn vào diện tích rừng, gây áp lực cho công ty, có những cây không có giá trị sử dụng nhưng các đối tượng vẫn cắt hạ để tạo thành điểm nóng”.
Với hơn 632.000 ha, hiện nay, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh vẫn tiếp tục suy giảm về diện tích và trữ lượng; tỷ lệ che phủ rừng là 46%, thấp hơn bình quân chung của toàn vùng. Các vụ phá rừng tại Gia Lai thường phát hiện chậm, việc điều tra, xử lý còn nhiều hạn chế.
Nhận xét
Đăng nhận xét