Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh đang là tín hiệu đáng mừng cho các nhà xuất khẩu và bà con nông dân. Đặc biệt, gạo chất lượng cao của Việt Nam đã có thể xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu đang mở ra nhiều cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tín hiệu đó cũng đang khiến các lĩnh vực như lâm thủy sản cố gặng tận dụng cơ hội để tiếp cận và chinh phục thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu.
Tin vui từ xuất khẩu gạo
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Thị trường trong tuần đầu tháng 2/2023 cho thấy, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu trong mức giá 468 - 470 USD/ tấn, còn gạo 25% tấm có giá từ 450 - 452 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, những diễn biến này là tín hiệu tích cực cho gạo xuất khẩu của Việt Nam và nước ta tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng tích trữ lương thực của nhiều quốc gia trong bối cảnh địa chính trị vẫn chưa ổn định, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 được dự báo sẽ vượt mức kỷ lục của năm 2019 - năm trước đại dịch COVID-19. Đây là nhận định đáng chú ý của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam vừa mới đưa ra, dựa trên những tín hiệu tích cực từ thị trường hàng hóa thế giới.
Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở hàng hóa Việt Nam, ông Phạm Quang Anh, cho biết: "Nhu cầu nhập khẩu của các nước khác sẽ tiếp tục tăng lên, do chính sách đảm bảo an ninh lương thực và mùa vụ của họ bị mất mùa. Bên cạnh đó, tín hiệu đáng mừng là gạo chất lượng cao của Việt Nam đã có thể xuất sang các thị trường khó tính như châu Âu, mở ra cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu".
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, để tận dụng cơ hội trên, các nhà xuất khẩu sẽ đẩy mạnh làm gạo chất lượng cao. Ngoài ra, ở mỗi thị trường, các doanh nghiệp sẽ tìm các đối tác chiến lược phân phối sản phẩm gạo chất lượng cao.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Trung Anh - doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ, rằng thay vì băn khoăn vào con số xuất khẩu gạo không mấy khả quan trong tháng 1/2023, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nghĩ đến tín hiệu tích cực từ giá gạo để nâng vị thế, chất lượng và cách tiếp cận thị trường của mình tốt lên trong thời gian tới nhằm giúp xuất khẩu gạo bứt tốc.
Theo lãnh đạo Trung Anh, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn, biến đổi khí hậu một cách cực đoan đã lan rộng… Vì vậy, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Trong khi đó, diện tích trồng cây lương thực, trong đó có lúa gạo trên toàn cầu đang giảm đi rất nhiều vì biến đổi khí hậu, đã tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh lương thực và giá gạo tại nhiều quốc gia.
Điều này lý giải một phần vì sao gạo Việt Nam được thị trường thế giới đón nhận, giá gạo cũng luôn neo ở mức cao trong thời gian qua.
Ngành gỗ chắt chiu từng cơ hội
Ngoài lúa gạo, chúng ta cũng nhận thấy những lợi thế nhất định từ ngành gỗ, điều quan trọng là những lợi thế đó cần được tận dụng tối đa để có thể tạo đà bứt tốc, vượt qua những khó khăn về mặt thị trường trong giai đoạn đầu của năm 2023.
Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho thấy đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu trở lại dù vẫn còn giới hạn. Đây được cho là tín hiệu tích cực cho ngành gỗ sau nhiều tháng chật vật thiếu hụt đơn hàng.
Xét về lợi thế, giới phân tích cho rằng động lực để thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tốt hơn trong thời gian tới đến từ việc phí vận tải biển trên thế giới hiện đang giảm rất mạnh. Như hiện tại, giá cước từ Việt Nam đi Mỹ hiện giảm sâu, chỉ còn 1.600-1.700 USD/container gỗ loại 40 feet, trong khi giai đoạn đạt đỉnh có giá đến 20.000-22.000 USD/container.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về đầu ra của đồ gỗ khi nhiều thị trường chịu tác động mạnh bởi lạm phát, ngành gỗ vẫn có thể tận dụng lợi thế từ một số mặt hàng có nhu cầu lớn như: viên nén gỗ, dăm gỗ...
Trên thị trường thế giới hiện nay, nhu cầu đối với dăm gỗ và viên nén gỗ ngày càng gia tăng, do cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hồi năm ngoái, dăm gỗ và viên nén gỗ có tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh, đạt gần 3,5 tỷ USD, và năm nay được kỳ vọng tiếp tục tăng cao.
Chia sẻ về việc giảm sâu giá cước vận tải biển, đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, cho rằng đây không chỉ mang lại lợi thế cho xuất gỗ, mà còn là lợi thế chung cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Căn cơ nhất là giúp giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, giúp giảm giá thành nông sản cũng như tạo thuận lợi cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng quốc tế, tăng thêm tính cạnh tranh cho nông sản Việt.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, các nhà xuất khẩu nên biết chắt chiu cơ hội, và nỗ lực để tận dụng lợi thế lớn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết, điều đó có thể giúp xuất khẩu bứt tốc tốt hơn.
Dự báo trong nửa đầu năm 2023, tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, điều quan trọng là các nhà xuất khẩu, đặc biệt là ngành nông lâm thủy sản cần phải chắt chiu từng lợi thế đang có. Đặc biệt là không bỏ lỡ từng cơ hội nhỏ nhất, để vừa không phải rơi vào cảnh bĩ cực, vừa giúp thúc đẩy xuất khẩu, tạo đà vượt qua thách thức.
Nhận xét
Đăng nhận xét