Trước tình hình xuất khẩu ngày càng khó khăn, các hiệp hội gỗ trong nước đã liên kết với nhau để mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, xúc tiến thương mại.
Khách tham quan Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tại TPHCM |
Tăng trưởng khiêm tốn
Thị trường bất động sản toàn cầu đang giảm, kéo theo đó là ngành gỗ cũng giảm đơn hàng cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, để tồn tại, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải gắng gượng hoạt động, chấp nhận không có lợi nhuận, hy vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại, bởi trên thế giới đang có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng nhiều loại vật liệu khác cho các công trình xây dựng, trang trí nội thất, đồ gia dụng như mây tre, nhựa, đá… Vì thế, dù thị trường bất động sản phục hồi thì ngành gỗ khó phát triển hơn nữa.
Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại của ngành gỗ Việt Nam lại thua kém so với các nước trong khu vực. Từ nhiều năm trước, khách hàng thường tham quan, tìm hiểu sản phẩm gỗ tại các hội chợ ở Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore…, sau đó mới đến Việt Nam. Do đó, các đơn hàng “khủng” thường bị DN tại các nước này “lấy mất”, chỉ còn những đơn hàng không có giá trị cao. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho hay, năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt khoảng 16,928 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo giá trị xuất khẩu gỗ năm 2023 sẽ không đạt như các năm trước.
Không chỉ khó khăn do đơn hàng sụt giảm, nhiều DN ngành gỗ còn gặp khó về vốn cho đầu tư sản xuất. Phần lớn DN chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 2% lãi suất của Nhà nước. Những DN tiếp cận được thì cũng chưa hết khó khăn do việc hỗ trợ bằng tiền đồng Việt Nam, trong khi các đơn hàng xuất khẩu chủ yếu giao dịch bằng USD. Thời gian qua, có nhiều thời điểm tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và USD có sự biến động tăng, đã tác động tiêu cực tới việc kinh doanh của các DN nói chung và ngành gỗ nói riêng.
Vừa sản xuất vừa thương mại
Theo ông Đỗ Xuân Lập, ngành gỗ Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới về quy mô, là lợi thế lớn giúp ngành gỗ tiếp cận được nhiều thị trường. Tuy nhiên, quy mô của từng DN lại chưa lớn, chiến lược phát triển chưa bền vững. Hiện nay, có rất nhiều DN ngành gỗ Việt Nam chỉ tập trung cho gia công, chấp nhận đơn hàng qua nhiều trung gian nên lợi nhuận không cao; công tác tìm kiếm, phát triển thị trường ít được chú trọng. “Trong tương lai, ngành gỗ Việt Nam không thể “đi bằng 1 chân” sản xuất mà phải “đi bằng 2 chân”, tức là vừa sản xuất vừa thương mại để tăng giá trị, đáp ứng xu thế của thị trường”, ông Đỗ Xuân Lập nêu ý kiến. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (HAWA), cho biết, từ tháng 3, nhiều nước sẽ tổ chức hội chợ về sản phẩm gỗ. Đây là cơ hội để các DN ngành gỗ Việt Nam tham gia tìm kiếm đơn hàng từ các nước châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước khác.
Công nhân đang chế biến gỗ tại Công ty cổ phần gỗ Thuận An |
Theo HAWA, đến năm 2025, ngành chế biến gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu kỳ vọng, bắt đầu từ năm nay, HAWA sẽ mở chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại ngành gỗ. Cùng với HAWA, VIFOREST và các hiệp hội ngành đồ gỗ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định cũng sẽ liên kết để tổ chức Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất tại TPHCM. “Từ nay về sau, các hoạt động xúc tiến thương mại của 5 hiệp hội sẽ không còn riêng lẻ mà quy về một mối nhằm mang lại sức mạnh chung. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức thêm hội chợ vào tháng 10 để có đơn hàng xuất khẩu vào đầu năm”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết. Theo đại diện HAWA, thông qua hội chợ do các hiệp hội vừa tổ chức vào cuối tháng 2, một vài DN Việt đã đạt được thỏa thuận với nhiều khách hàng mua trực tiếp của Mỹ. Đây có thể là bước đầu khởi sắc cho việc xây dựng thương hiệu Việt Nam. Hiện các DN này đang được các hiệp hội hỗ trợ để đạt được thỏa thuận từ các đơn hàng.
Không đứng ngoài nỗ lực chung, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết, thời gian tới, cục sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại với các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài, đồng thời tổ chức chuỗi các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng nhằm kịp thời hỗ trợ các DN chủ động nắm bắt thông tin thị trường, chính sách thương mại của các nước để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Từ thực tế giao thương, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng nhìn nhận, thị trường ngách, cụ thể là thị trường các nước Trung Đông, đang phát triển rất mạnh do người trẻ các nước này muốn có sự thay đổi sang phong cách hiện đại thay vì truyền thống. Do đó, các DN nên tập trung phát triển thị trường trên. Tuy nhiên, DN cũng không nên bỏ quên thị trường nội địa đang phát triển trong thời gian tới.
Theo VIFOREST, trong tháng 4-2023, đại diện các hiệp hội ngành gỗ sẽ đi khảo sát thị trường ở Italy để xây dựng một “ngôi nhà” trưng bày sản phẩm gỗ của Việt Nam. Dự kiến, “ngôi nhà” này sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2024. Italy được biết đến là cái nôi hội tụ nhiều sản phẩm có kiến trúc đẹp, thu hút nhiều DN đến tham quan, mua hàng. Trong tháng 10-2023, các hiệp hội sẽ cùng đóng góp tiền để thuê đặt showroom sản phẩm Việt Nam trong hội chợ đồ gỗ tại Mỹ. Gian hàng Việt Nam sẽ trưng bày các sản phẩm đặc sắc, nổi bật đã được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét