Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính như "ngồi trên lửa", thậm chí kiệt quệ vì bị chậm hoàn thuế.
>>> Vướng mắc hoàn thuế VAT: Bộ NN&PTNT khẳng định xác minh nguồn gốc gỗ chưa phù hợp
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết VIFOREST hiện có 1.005 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 6 hiệp hội địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Thanh Hóa và Nghệ An) và 3 Chi hội ngành hàng: Chi hội gỗ dán, Chi hội dăm gỗ và Chi hội viên nén.
Ngành chế biến gỗ và lâm sản có trên 500.000 lao động làm việc trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động tại các cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình và các làng nghề gỗ và thủ công mỹ nghệ. Ngành còn thu hút trên 1 triệu hộ nông dân với trên 4 triệu lao động tham gia trồng rừng, tạo gỗ nguyên liệu cho chế biến.
Trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành luôn đạt 2 con số mỗi năm. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỉ USD.
Tuy nhiên từ quý 1/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: xuất khẩu gỗ và lâm sản quý 1/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%.
Theo ông Lập, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.
Để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.
Đồng thời, cần thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi hội chợ trong nước hiện có giá 2.000 - 2.200 USD/ gian hàng chuẩn; hội chợ thế giới như High Point - Mỹ có giá 3.200 - 3.500 USD/gian hàng tiêu chuẩn.
Đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, ông Lập cho hay hiện nay, Bộ Tài chính đang coi ngành gỗ xuất khẩu là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
>>>Thủ tục hoàn thuế VAT “lòng vòng”, doanh nghiệp “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
>>>Doanh nghiệp ngành sắn nguy cơ “thụt lùi” vì chậm hoàn thuế VAT
Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều làm ăn chân chính, nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm, đồng thời, có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Lập đề nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.
Như DĐDN đã đưa tin nhiều tháng qua, việc các địa phương chậm trễ thậm chí “đẻ” thêm thủ tục hoàn thuế đang tiếp tục khiến doanh nghiệp “khốn đốn” trong bối cảnh đơn hàng giảm, chi phí lao động, sản xuất vẫn tăng cao.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã nhiều lần gửi công văn khẩn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng được hoàn thuế giá trị gia tăng tránh thiệt hại do tiền thuế được hoàn trả quá chậm chạp.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế, đa số các doanh nghiệp bị nợ hoàn thuế từ 40-50 tỷ đồng, có những doanh nghiệp lớn số thuế chưa được hoàn đúng hạn lên tới 150-200 tỷ đồng.
VIFOREST khẳng định, vướng mắc hoàn thuế nằm ở chỗ quy trình xác nhận nguồn gốc sản phẩm tới tận chủ rừng quá cứng nhắc. “Điều này rõ ràng là rất khó thực hiện với các doanh nghiệp mua nguyên liệu từ nhiều nguồn rừng trồng. Đồng thời, Thông tư 27/2018 về truy xuất nguồn gốc nông - lâm sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không bắt buộc chặt chẽ đến vậy”, ông Lập cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét