Về kiến nghị của ngành gỗ về việc thành lập cụm công nghiệp, khu công nghiệp của ngành gỗ, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
>>>Bộ Tài chính: Không coi ngành gỗ là ngành rủi ro trong hoàn thuế VAT
Ngao ngán nhìn hàng trăm tấn gỗ viên nén tồn kho, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Gỗ Hưng Thành chia sẻ, ngay cả thời điểm Covid-19 cũng không thảm hại như hiện nay.
Nguy cơ mất thị trường vào tay đối thủ
Ông Sỹ cho biết, công ty như rơi vào vực thẳm khi đối tác Nhật Bản ngừng mua hàng, còn đối tác từ Hàn Quốc cũng giảm tới 70% sản lượng. Doanh thu hàng trăm tỷ đồng giờ tụt xuống còn vài chục tỷ đồng. Hơn phân nửa lao động nghỉ việc, thậm chí những lao động còn lại cũng phải nghỉ luân phiên.
“Chúng tôi giờ chỉ hoạt động để duy trì máy móc, còn mảng kinh doanh gần như đóng băng”, ông Sỹ nói và cho biết, tình trạng này kéo dài từ đầu năm. Giá cũng rớt thảm, từ mức 190 USD/tấn vào cuối quý IV/2022, nay còn khoảng 130 USD/tấn.
Đơn hàng giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà sự sống còn của công ty cũng bị đe dọa. Theo ông Sỹ, đau đầu nhất hiện nay là nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt, trong khi phải trả lãi ngân hàng cao gần gấp đôi so với trước đây.
Vị này ước tính, nếu hết quý II tình hình không cải thiện, dàn máy hàng chục tỷ đồng phải đắp chiếu, thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng. Tệ hơn là doanh nghiệp khó vực dậy được.
Vì thế, ông đã huy động cả những lao động phân xưởng để đào tạo bán hàng. Chúng tôi lập nhiều trang bán hàng trực tuyến, thâm nhập vào nhiều hội nhóm để đăng tin bán hàng.
“Cũng có những đơn hàng nhỏ cho các đối tác trong nước mua đi xuất khẩu, nhưng phải bán với giá rẻ bèo”, ông Sỹ nói và cho biết thêm, ông cũng đã tính đến phương án bán máy móc để giữ bộ máy công ty hoạt động.
Tương tự, ông Vũ Văn Băng, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cảm thán: “Chúng tôi bị sụt giảm 15-20% đơn hàng. Thời điểm này để kiếm được đơn hàng mới là chật vật bởi lẽ khách hàng thường ưu tiên các đối tác cũ, thay vì mở rộng sang các đối tác mới”.
Theo vị giám đốc, nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao nên người dân phải thắt lưng buộc bụng, chỉ tập trung cho các nhu cầu thiết yếu. Trong khi hàng may mặc hay đồ gỗ thì không phải quá cần thiết.
Trên thực tế, từ quý I/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt tương đương năm 2022. Số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Đáng chú ý, doanh nghiệp còn lo ngại mất đơn hàng sang các nước như Ấn Độ, Bangladesh. Đó là những quốc gia có nguồn nhân lực rất dồi dào và khả năng cạnh tranh tốt về chi phí. “Rồi sẽ có lúc đơn hàng phục hồi, nhưng nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh, khả năng doanh nghiệp Việt tiếp tục mất đơn hàng vào tay Ấn Độ hay Bangladesh là hiện hữu”, ông Băng nhận định.
>>>Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ và thuỷ sản
Ưu đãi đầu tư tốt nhất
Trước thực tế này, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong đó có ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ thành lập các cụm, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ và chế biến lâm sản tại các vùng, địa phương có tiềm năng như: Miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Hỗ trợ thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô để tổ chức các sự kiện, hội chợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát các thủ tục đầu tư, kinh doanh, cắt giảm bớt thủ tục đầu tư và chi phí tuân thủ. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cho rằng việc đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng là hoạt động quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần thành lập Ban chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Về đầu tư công cho ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, mặc dù ngân sách hạn chế nhưng Chính phủ cũng đã giao cho ngành nông nghiệp vốn 7.810 tỷ đồng (tăng so với giai đoạn trước chỉ có 4.310 tỷ đồng).
Liên quan đến chính sách đầu tư, gỗ và thuỷ sản là 2 lĩnh vực luôn luôn được Nhà nước dành ưu đãi cao nhất, chính sách cao nhất và được hưởng các chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư. Ngoài ưu đãi theo quy định pháp luật Luật Đầu tư, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 57/2018 để hỗ trợ, ưu đãi đầu tư thêm cho 2 lĩnh vực này.
Hiện, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với bộ, ngành liên quan sửa Nghị định 57 theo hướng ưu đãi đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn và dễ triển khai thực hiện hơn cho các địa phương. Dự kiến sẽ trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 57 vào cuối tháng 4/2023.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp mà Bộ KH&ĐT là vùng nguyên liệu còn manh mún, chưa đạt quy mô và sản phẩm đầu vào do bị động đầu vào không thống nhất, dẫn đến tốn nhiều chi phí sàng lọc sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân do hạn mức đất được giao theo Luật Đất đai 2013, hiện nay, dự thảo Luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội cơ bản sẽ xử lý được vấn đề này.
"Về kiến nghị của ngành gỗ về việc thành lập cụm công nghiệp, khu công nghiệp của ngành gỗ, Bộ KH&ĐT hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định 35 về việc Nhà nước khuyến khích thành lập các khu công nghiệp như vậy. Hiện nay, một số địa phương cũng đã hình thành các cụm công nghiệp như ở Bình Định, Bình Dương, Nghệ An đang có các khu công nghiệp chuyên thu hút nhà đầu tư nước ngoài chế biến gỗ. Đề nghị Hiệp hội lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực và các địa phương sẵn sàng hỗ trợ để triển khai phát triển các khu công nghiệp này", Thứ trưởng Ngọc nói.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi mô hình đầu tư xanh và thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang triển khai chuơng trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với Bộ KH&ĐT để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét