(ĐTCK) Năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng, lợi nhuận suy giảm, bởi khó khăn có thể kéo dài.
Đơn hàng thiếu, cạnh tranh cao
Năm 2023, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, nhưng trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam giảm mạnh.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm nay ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2023 là 784,6 triệu USD, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu tại thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam này sụt giảm, đặc biệt là nhóm hàng gỗ nội thất.
Trước đó, quý IV/2022, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8% so với cùng kỳ, do áp lực từ việc thị trường nhà ở của Mỹ suy yếu vì giá nhà và lãi suất cho vay mua nhà tăng.
Thị trường Mỹ vốn là một trong những thị trường chủ lực của Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Long Việt (Gỗ Long Việt), nhưng từ năm ngoái đến nay, Công ty đã phải chủ động mở rộng các thị trường khác như Trung Đông để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu của thị trường Mỹ.
Mặc dù vậy, ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Gỗ Long Việt cho biết, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng. Tình trạng này có nguy cơ kéo dài đến hết quý III/2023; kỳ vọng từ quý IV/2023, bức tranh kinh doanh mới khả quan hơn.
Tương tự, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An (Gỗ Thuận An, mã chứng khoán GTA) nhận định, năm 2023 dự kiến là một năm khó khăn của ngành chế biến gỗ, bởi tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài. Mặt khác, các doanh nghiệp cạnh tranh về giá để giành đơn hàng sản xuất, dẫn tới mặt bằng giá bán thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Năm 2023, Gỗ Thuận An xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 332 tỷ đồng, giảm hơn 35% và lợi nhuận sau thuế 8,38 tỷ đồng, giảm 17,8% so với năm 2022.
Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) cũng chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh “đi lùi” khi mục tiêu năm 2023 là đạt doanh thu 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và gần 10% so với năm 2022.
Thiếu đơn hàng, lao động sẽ thiếu việc làm, việc cho công nhân nghỉ luân phiên đã diễn ra ở nhiều doanh nghiệp từ cuối năm ngoái và tình trạng này đến nay chưa được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt, các đơn hàng hiện tại chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 50% công suất. Đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng qua.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Gỗ Thuận An cho biết, năm 2023, Công ty sẽ tập trung tìm kiếm đơn hàng sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá sản phẩm để có đơn hàng mới, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ định mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã chứng khoán TTF) cho hay, Công ty sẽ đẩy mạnh tiếp thị, đấu thầu tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tìm ra ngách thị trường và hướng đi riêng.
Theo đó, trong năm 2023, Gỗ Trường Thành dự kiến nâng công suất sản xuất tất cả các nhà máy tại Bình Dương để đáp ứng nhu cầu không chỉ trong năm nay mà còn trong những năm tới.
Hiện tại, Công ty đang cải tiến quy trình hoạt động ở tất cả các khâu sản xuất để loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng làm tăng chi phí trong chuỗi các hoạt động, rút ngắn chu trình sản xuất, đồng thời cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, khó khăn của ngành gỗ vẫn còn ở phía trước và triển vọng năm 2023 kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Kỳ vọng, các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024, khi lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.
Nhà đầu tư nên chờ đợi những tín hiệu phục hồi rõ ràng để đầu tư vào cổ phiếu ngành gỗ. Trong đó, động lực tăng giá là việc kiểm soát lạm phát tốt hơn kỳ vọng tại thị trường Mỹ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về quy mô, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung gia công, nhận đơn hàng từ một công ty trung gian, nên biên lợi nhuận thấp. Ông Lập cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm, vừa làm sản xuất, vừa làm thương mại.
Nhận xét
Đăng nhận xét