Không được cấp CITES, hàng chục container gỗ nhập khẩu từ châu Phi của các doanh nghiệp đang phải nằm lưu kho tại cảng. Chi phí lưu kho lên tới hàng chục triệu đồng/ngày khiến các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.
Doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn
Chủ một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tại khu vực phía Bắc xác nhận: từ tháng 12 năm ngoái, bà đã biết tin sau Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã lần thứ 19 tại Panama (CITES-19), Ban thư ký ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung các loài động thực vật thuộc các phụ lục CITES có hiệu lực kể từ ngày 23.2.2023. Theo đó, các loài thực vật được bổ sung bao gồm các loài thuộc chi gõ, hương và xà cừ phân bố ở châu Phi. Đây là những loại gỗ vẫn được doanh nghiệp nhậu khẩu về Việt Nam.
Theo doanh nghiệp, trong thời gian 90 ngày chờ hiệu lực, thương mại các loài này vẫn diễn ra và được coi là thương mại các mẫu vật tiền công ước. Các đơn hàng cũng đã được ký hợp đồng trước đó, doanh nghiệp cũng đã đặt container chở về Việt Nam hoặc đang trên đường từ châu Phi về Việt Nam.
“Như kinh nghiệm của năm 2017 khi Ban thư ký CITES bổ sung gỗ hương chua của châu Phi vào phụ lục II của Công ước CITES, trong lúc chờ có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nộp vận tải đơn, giấy kiểm dịch thực vật để xin được cấp CITES và đã được cấp nên lần này chúng tôi cũng yên tâm với các giấy tờ trên. Đặc biệt, tại cuộc làm việc giữa 3 bên gồm CITES Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp, tháng 1.2023, đại diện CITES cho biết doanh nghiệp chỉ cần có giấy tờ chứng minh hàng rời cảng về Việt Nam trước 23.2.2023 thì có thể chấp nhận và được cấp CITES, nhưng thực tế không phải vậy. Các hồ sơ gửi đến CITES Việt Nam, kể cả có giấy tiền công ước, đều bị từ chối và không nói rõ lý do”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Cũng theo doanh nghiệp, cơ quan quản lý của Việt Nam yêu cầu phải có giấy CITES của nước xuất khẩu, nhưng hàng rời cảng châu Phi trước ngày Công ước có hiệu lực thì “làm sao họ có thể cấp CITES cho chúng tôi?”. Điều này chỉ có thể xảy ra khi doanh nghiệp vận chuyển hàng trả lại cho phía họ, nhưng rủi ro rất lớn vì hợp đồng đã ký kết, và chi phí vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam lên tới 270 triệu đồng/container. Mỗi doanh nghiệp ít thì vài chục container, nhiều lên tới cả trăm container, chi phí này rất lớn, khó doanh nghiệp nào chịu nổi.
Theo ước tính, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi gặp khó khăn trong việc cấp CITES, với hàng trăm container bị lưu kho lưu bãi tại cảng Cát Lái và Hải Phòng. “Mỗi ngày, một container 20 - 40 feet lưu kho chịu chi phí từ 500.000 - 850.000 đồng và lưu kho càng lâu, số tiền này sẽ tăng lên. Thêm vào đó, từ năm 2022, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đã rất khó khăn vì khi đưa hàng về Việt Nam bị trượt giá, giờ lại gánh thêm chi phí này sẽ càng khó khăn. Quan trọng hơn, uy tín với các bạn hàng, đối tác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, đại diện doanh nghiệp phát biểu.
Trước khó khăn đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét, cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong đối tượng tiền công ước để được thông quan hàng hóa, song hiện vẫn chưa có phản hồi.
CITES Việt Nam nói gì?
Trước phản ánh của các doanh nghiệp, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, theo nguyên tắc, Công ước có hiệu lực từ ngày nào thì ngày đó phải có giấy phép CITES. “Các giấy tờ tiền công ước không thể thay thế giấy phép CITES và cũng không được chấp nhận cho các lô hàng thương mại. Chứng chỉ tiền công ước chỉ dùng cho vật dụng cá nhân, tài sản gia đình, được mang đi theo người mà không cần giấy phép CITES xuất khẩu và có giá trị trong vòng 3 năm, trong khi tất cả các lô hàng thương mại giấy phép chỉ trong vòng 6 tháng”, bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện CITES Việt Nam, khi Ban thư ký CITES chốt lại các mẫu vật đưa vào Công ước, trong tháng 1.2023, Cơ quan này đã khuyến cáo rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân và hiệp hội về việc phải cẩn trọng khi buôn bán thương mại các loài chuẩn bị có hiệu lực theo phụ lục của Công ước CITES vì nguy cơ rủi ro vi phạm Công ước. Thay vào đó, hãy chờ khi Công ước có hiệu lực, xin giấy phép CITES của nước xuất khẩu trước khi đưa hàng về Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không tuân thủ dù đã có khuyến cáo. Việc CITES Việt Nam không cấp CITES cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi dù họ đã gửi hồ sơ là đúng theo quy định của Công ước, bà Nga khẳng định.
Lý giải vì sao năm 2017 đã có tiền lệ với gỗ hương nhập khẩu từ Nigeria, doanh nghiệp phản ánh chỉ phải nộp giấy chứng nhận tiền công ước đều được cấp CITES, bà Nga cho biết điều này không đúng. “Khi đó, chính tôi là người phải làm việc với Ban thư ký CITES và nước nhập khẩu để chứng minh tất cả các lô hàng đó được xuất cảng trước ngày bấm nút (phê chuẩn bổ sung vào danh mục CITES - PV) chứ không phải trước ngày Công ước có hiệu lực. Đồng thời tôi đã phải ký với họ điều khoản rằng “đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất và không tạo ra bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào trong tương lai”, bà Nga thông tin.
Dù “rất chia sẻ với doanh nghiệp”, song Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho rằng, đối với các lô hàng gỗ nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam dù có trước ngày 23.2.2023 khi Công ước có hiệu lực, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận rủi ro như nhiều doanh nghiệp đã từng chấp nhận bỏ lô hàng gỗ hương từ Nigeria năm 2017 để tránh bị xử lý hình sự cũng như phải chấp nhận việc bị CITES Việt Nam “từ chối tiếp nhận hồ sơ” vì “chúng tôi đã có khuyến cáo”.
Dù vậy, điều doanh nghiệp mong chờ là CITES Việt Nam giải thích rõ ràng việc từ chối giải quyết hồ sơ khi doanh nghiệp đã nộp hơn một tháng nay. Tổ chức cuộc làm việc giữa doanh nghiệp với CITES Việt Nam để làm sáng rõ vấn đề và tìm giải pháp phù hợp có lẽ rất cần thiết trong lúc này.
Nhận xét
Đăng nhận xét