DN gỗ thu mua qua nhiều ‘cầu’ không làm rõ được việc hoàn thuế GTGT
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết từ năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận hoàn thuế với giá trị 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và còn 5% hồ sơ thuế đang được cơ quan thuế kiểm tra.
“Bộ Tài chính không coi ngành gỗ là ngành rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Bởi, hầu hết các doanh nghiệp trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số doanh nghiệp thu mua qua nhiều 'cầu' thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số.”
Đây là ý kiến khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn tại Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ngày 13/4.
Tại hội nghị, Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trực tiếp lắng nghe và đưa ra giải pháp cho các kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
[Ngành thuế tăng cường quản lý chống gian lận về hoàn thuế GTGT]
Cụ thể về nhóm kiến nghị hoàn thuế giá trị gia tăng của ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh Luật Quản lý thuế có phân việc hoàn thuế thành 2 loại "hoàn trước-kiểm sau" và "kiểm trước-hoàn sau." Hiện nay, giá trị hoàn thuế một năm từ 150.000-170.000 tỷ đồng, trong số đó 80% là ngành thuế thực hiện "hoàn trước-kiểm sau."
Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, mức hoàn thuế là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% hồ sơ thuế đang được cơ quan thuế kiểm tra.
"Chúng tôi đồng tình với Hiệp hội Gỗ cần phải ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, song cũng cần đấu tranh với doanh nghiệp gian lận. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Công an đấu tranh với một số doanh nghiệp gian lận khai khống đầu vào để giảm thuế xuất khẩu," Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin.
Về các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết chính sách thuế đối với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0% và thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế.
“Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp đang có vướng mắc,” Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Đối với vấn đề giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31), Hiệp hội Gỗ đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác-Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho biết Bộ đã có tờ trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu có tiếp thu ý kiến này và đa số ý kiến các bộ, ngành đều đã đồng tình.
“Trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ trình lại lên Chính phủ, nếu được thông qua sẽ tháo gỡ được cho ngành gỗ,” Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.
Về việc giãn nợ thuế 6-12 tháng, theo Thứ trưởng Cao Anh, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất.
“Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc này, nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các doanh nghiệp,” lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét