Năm 2022, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, vi phạm về lâm nghiệp giảm đáng kể, rừng được bảo vệ tốt hơn. Công tác xã hội hoá, huy động các tổ chức, hộ gia đình tham gia QLBVR cũng được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Tuy nhiên, việc trồng rừng trên diện tích đất trống vẫn còn rất thấp so với kế hoạch.
• QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN PHÁ RỪNG
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 978.120 ha; tổng diện tích có rừng 539.043 ha; diện tích đất có rừng che phủ 533.732 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 54,6%. Tình trạng phá rừng trong năm 2022 dù chưa được ngăn chặn triệt để nhưng phải ghi nhận rằng, công tác QLBVR đang ngày càng tốt hơn. Nguyên nhân chính xuất phát từ chính công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương và việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ bảo vệ rừng. Công tác QLBVR và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong năm qua tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng đó là sự nỗ lực, cố gắng triển khai nhiều biện pháp QLBVR của các sở, ngành, địa phương, các chủ rừng,... So sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm lâm nghiệp đã giảm 244 vụ (giảm 46%); diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng giảm 9,25 ha (giảm 26%); lâm sản thiệt hại giảm 638,8 m3 (giảm 32%); số vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 1 vụ (giảm 4,2%).
Là lực lượng nòng cốt trong công tác QLBVR và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương và chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, tích cực vận động người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, PCCCR, gắn với triển khai chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững.
Năm qua, việc thực hiện Đề án 1836 cũng là cơ sở để ổn định cơ cấu phát triển lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng, giải quyết đất sản xuất cho người dân tại các khu vực phù hợp trong thời gian tới, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, lực lượng kiểm lâm và Nhân dân trong thực hiện công tác QLBVR và phát triển rừng. Việc giao khoán QLBVR tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Chính sách dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực tài chính quan trọng, bền vững, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả QLBVR, giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân.
• TRỒNG CÂY XANH VƯỢT KẾ HOẠCH
Thực hiện kế hoạch về việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trồng 50 triệu cây xanh năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tổng số cây xanh theo kế hoạch của UBND tỉnh giao 6.580.000 cây/12 huyện, thành phố và tổng số cây xanh theo kế hoạch các địa phương xây dựng 9.626.282 cây/12 huyện, thành phố. Theo đó, lũy kế tính đến ngày 10/12/2022, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 8.045.420 cây xanh các loại, vượt kế hoạch tỉnh giao và đạt 83,58% kế hoạch các địa phương đăng ký. Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện trồng cây xanh, trồng rừng năm 2022 theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và kế hoạch đã xây dựng.
Để có thể thực hiện tốt công tác QLBVR nhằm hoàn thành chỉ tiêu ngành Lâm nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, năm 2023 này, ngành đặt chỉ tiêu phấn đấu giảm 20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2022. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030” theo Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhận xét
Đăng nhận xét