Dù đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD năm ngoái, đồ gỗ nội thất - một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của ngành - giảm sâu đơn hàng những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Dù kịp cán mốc mục tiêu xuất khẩu đề ra, đây lại là bước lùi sau chục năm liên tục duy trì tăng trưởng hai con số.
Hiện xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có quy mô lớn thứ 5 thế giới, trong đó tăng trưởng chính bằng hai mảng là nguyên liệu trung gian và chế biến sâu - tức đồ nội thất. Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam (Vifores) Đỗ Xuân Lập ví hai mảng này như "hai chân" của tăng trưởng ngành gỗ.
Tuy nhiên năm ngoái, ngành này phải tăng trưởng bằng một chân là nguyên liệu trung gian (với khoảng 8 mã hàng từ ván ép đến viên nén, dăm gỗ). Các bạn hàng Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn mua nhiều viên nén và dăm gỗ của Việt Nam năm qua.
Trong khi đó, mảng chế biến sâu - tức đồ nội thất - suy giảm do lạm phát, suy thoái, thắt chặt chi tiêu ở các thị trường chính như châu Âu, Mỹ. Theo Vifores, xuất khẩu nội thất nửa đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng 15-20%. Tuy nhiên, đơn hàng giảm sâu trong thời gian còn lại, với quý IV giảm đến 50%.
Là tỉnh chiếm 42% doanh số xuất khẩu của ngành, đồ gỗ nội thất Bình Dương năm ngoái đứng yên so với 2021. "30 năm qua, đây là đợt khó khăn nhất. So với 1997 và 2008 bị suy thoái ở một số thị trường, nay là sức mua toàn cầu giảm", ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, bình luận.
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2,5%, đạt 17,5 tỷ USD trong bối cảnh các khó khăn vẫn còn đó. Chủ tịch Vifores dự báo riêng mảng xuất khẩu đồ nội thất, quý I đạt khoảng 50-55% so với cùng kỳ các năm trước.
"Sang quý II có thể lên 60%, còn quý III và IV khoảng 65-75% trước đây", ông Lập nhận định. Điều này có nghĩa, gỗ nội thất phải tiếp tục nỗ lực vượt khó trên bệ đỡ là nguyên liệu trung gian.
Đến nay, tình hình có sự khả quan hơn. Theo ghi nhận nhanh của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa), các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại trong tháng 1. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hawa dự báo tháng 4, đơn hàng sẽ phục hồi đáng kể, khoảng 70% so với trước.
Đại diện công ty Minh Đức, một nhà nhập khẩu và cung cấp nguyên liệu ngành nội thất cho hay tình hình đầu năm nay có khởi sắc hơn. "Chúng tôi đang tìm nguyên liệu cho các nhà máy đặc thù, phục vụ phân khúc thị trường cao cấp. Công ty còn tồn tại và phát triển đến giờ này cũng nhờ những dòng cao cấp từ châu Âu và Mỹ", ông nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết đang có một số cơ hội từ thị trường bên ngoài. Thứ nhất là xu hướng chuyển dịch đơn hàng. Theo ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Nội Thất New (GBI), đơn hàng từ Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam, Malaysia, Thái Lan do chuỗi cung ứng và giá cả tại Trung Quốc có nhiều thay đổi sau đại dịch. "Các khách hàng Âu, Mỹ cũng bắt đầu quay lại đặt hàng. Gần đây, chúng tôi nhận được yêu cầu báo giá liên tục", ông Lành thông tin.
Sự dịch chuyển theo ông Trần Lam Sơn, Tổng giám đốc Thiên Minh, còn thể hiện qua việc các nhà mua hàng trước đây thường đặt đơn gián tiếp qua các công ty thương mại tại Hong Kong hay Singapore, nay đặt trực tiếp với nhà sản xuất Việt Nam nhiều hơn.
Thứ hai, việc chịu khó gom đơn nhỏ hoặc khai thác những thị trường mới cũng là cách vượt khó ngắn hạn. "Trước đây, tôi tập trung khách hàng lớn như Đức, giờ sẽ xuất đi Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch. Sản phẩm cũng đa dạng nguyên liệu và chủng loại, không chỉ nội thất mà còn ngoại thất" ông Sơn nói thêm.
"Đại gia" gỗ nội thất Minh Dương (Bình Dương) với 2.000 lao động cũng thấy triển vọng này. Bà Dương Minh Tuệ, đại diện công ty cho biết khi thị trường Mỹ, Âu khó khăn, khách hàng mới từ Trung Đông gõ cửa nhà máy bà.
Bà Tuệ cho hay thị trường nội thất Trung Đông trước đây chủ yếu chuộng sản phẩm cổ điển, sang trọng, dát vàng theo yếu tố văn hóa, tôn giáo nên Malaysia đáp ứng rất tốt về mẫu mã cũng như giá cả. Tuy nhiên, thế hệ khách hàng mới với thu nhập tốt dần thay đổi thị hiếu. "Họ chấp nhận mức giá cao hơn, tìm thiết kế mới, chất xám cao. Và điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam", bà Tuệ nhận định.
Thứ ba, phân khúc dự án cao cấp và thị trường nội địa cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) và cũng là Chủ tịch AA Corporation cho biết cung cấp nội thất cho các dự án khách sạn 4-5 sao sẽ có được giá tốt hơn nhưng đòi hỏi chất lượng và thời gian giao hàng gắt gao hơn. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều nhà cung cấp Việt Nam làm được.
Theo ông Khanh, phân khúc này nói riêng và cao cấp nói chung còn cơ hội lớn. "Sản xuất mặt hàng cao cấp giúp phát triển ngành gỗ bền vững. Thay vì chỉ cung cấp giá rẻ số lượng lớn thì bán hàng ít hơn nhưng giá trị cao hơn. Nhu cầu ngày nay đề cao tính cá thể nên khách cũng không muốn mua đồ giống hệt nhau. Các doanh nghiệp nếu có điều kiện, nên sản xuất hàng giá trị cao hơn", ông khuyến nghị.
Còn ông Đỗ Xuân Lập cho rằng thị trường nội thất nội địa với quy mô 5-6 tỷ USD cũng đáng lưu tâm. Thị trường này có nhu cầu lớn và vẫn nhập khẩu nhiều từ nước ngoài. "Khi đơn hàng quốc tế giảm sút, các doanh nghiệp tìm giải pháp quay về thị trường nội địa như là kênh hỗ trợ tốt", ông Lập nhận định.
Để khai thác hiệu quả các thời cơ vượt khó này, 5 hiệp hội ngành gỗ nội thất của Việt Nam gồm Vifores, Hawa, Bifa (Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương), Dowa (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai), Fpa (Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Bình Định) mới đây vừa bắt tay thành lập Viforest Fair, một đơn vị chịu trách nhiệm xúc tiến thương mại cho toàn ngành.
"Hợp tác này nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở. Xa hơn là nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới", ông Đỗ Xuân Lập nêu.
Viễn Thông
Nhận xét
Đăng nhận xét