(THPL) - Theo Cơ quan Thống kê Canada, các thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần. Trong đó, Việt Nam được đánh giá có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới nhiều doanh nghiệp, làng nghề và có lực lượng lao động đông đảo.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada trong tháng 2/2023 đạt 10,6 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada ước đạt 21,6 triệu USD, giảm 46,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 1/2023, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada giảm mạnh, đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada. Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ và bộ phận ghế đạt 2,8 triệu USD, giảm 27,2% so với tháng 12/2022, giảm 62,8% so với tháng 1/2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đạt 2,6 triệu, giảm 39% so với tháng 12/2022, giảm 73,4% so với tháng 1/2022...
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada, trong tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada lại tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chỉ chiếm tỷ trọng thấp nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ mặt hàng xuất khẩu chính là đồ nội thất bằng gỗ.
Là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 trên thế giới, Canada luôn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở mức cao. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê Canada, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, Canada tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Mỹ và EU, tuy nhiên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 cho Canada, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 15,3% tổng trị giá nhập khẩu trong năm 2022, đạt 411,9 triệu USD, giảm 1,1% so với năm 2021. So với nhu cầu nhập khẩu, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mở rộng thị phần tại Canada trong thời gian tới.
Liên quan đến xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số mỗi năm nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao. Tuy nhiên, chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng và đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, năm 2022 là năm rất khó khăn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam nói chung và xuất khẩu ngành gỗ nói riêng. Bước sang năm 2023, dù tình hình được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó lường do những bất ổn trên thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn sẽ tiếp tục, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, trao đổi thương mại, năm 2023 Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết sẽ tập trung triển khai một số hoạt động xúc tiến thương mại trọng tâm như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, giúp gia tăng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh vào thị trường bằng việc tổ chức các đoàn về nước mua hàng; xúc tiến giao thương trực tuyến; hội thảo phổ biến, khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do hai bên là thành viên....
Còn theo khuyến nghị của Cục Xúc tiến thương mại, các Hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp ngành gỗ như tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Việt Nam, hướng đến quy mô và tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trở thành trung tâm năng động, động lực tăng trưởng của ngành tại khu vực.
Cạnh đó, lựa chọn và tổ chức gian hàng quốc gia Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế chuyên ngành sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ và lâm sản có uy tín tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada... để các doanh nghiệp ngành gỗ tham gia.
Tú Linh (t/h)
Nhận xét
Đăng nhận xét