(ĐCSVN) - Theo luật sư, phá rừng là tội ác, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cần xử thật nghiêm mới đủ sức răn đe kẻ khác không dám phá hoại rừng, không để mất rừng thêm nữa.
Liên quan tới vụ việc nhiều cây thông ba lá ở tiểu khu 316A và 316B (tổ dân phố Hoà Bình, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) bị nhẫn tâm “hạ độc”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cơ quan chức năng huyện Đơn Dương xác minh hiện trường, truy tìm đối tượng.
Vụ thứ nhất được phát hiện lúc 08h30 ngày 27/12/2022 khi công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương tuần tra, kiểm tra rừng phát hiện tại lô a khoảnh 2 tiểu khu 316B địa giới hành chính thị trấn D’ran có 38 cây thông ba lá bị ken, khoan, chặt gốc đổ hóa chất trên diện tích 1.199 m2. Diện tích rừng bị phá có tổng trữ lượng 28,934 m3, trạng thái rừng trồng gỗ năm 1986, đối tượng rừng phòng hộ.
Ảnh minh họa. Nguồn http: baolamdong.vn |
Vụ thứ hai được phát hiện lúc 13h30 cùng ngày khi công ty tuần tra, kiểm tra rừng phát hiện tại lô a khoảnh 6 tiểu khu 316A có 17 cây thông ba lá bị ken, khoan, chặt gốc đổ hóa chất trên diện tích 270 m2, có tổng trữ lượng thiệt hại 12,420 m3, trạng thái rừng trồng gỗ năm 1987, đối tượng rừng phòng hộ.
Đáng chú ý, cả hai vụ trên, thời gian tác động khoảng 15 đến 20 ngày trước thời điểm phát hiện vi phạm, thời điểm kiểm tra đơn vị chủ rừng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đao Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương tiếp tục phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đơn Dương tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý nhằm tạo tính nghiêm minh, răn đe, giáo dục của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết có thể nói vì bất cứ lý do gì, những tổ chức, cá nhân đã bức hại những rừng thông nói trên cũng chủ yếu chỉ vì lợi ích kinh tế (tiền bán gỗ, bán đất…).
Rừng được coi là lá phổi của Trái đất vì trong quá trình quang hợp, thực vật hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2 giúp điều hòa không khí. Cũng như nhiều quốc gia khác, rừng là tài nguyên vô cùng quý giá của Việt Nam, mang lại nguồn sinh kế dồi dào, thiết yếu cho nhiều đối tượng. Do đó, việc giữ rừng - trồng rừng luôn là vấn đề cấp thiết mà mỗi người cần chung tay xây đắp, hành động.
Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận rừng phòng hộ sử dụng chủ yếu bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế xâm nhập mặn, chắn cát, chống nạn cát bay, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...
Những năm qua, cùng với hàng trăm ngàn hecta rừng cả nước, hàng trăm cánh rừng thông đặc dụng ở các tỉnh Tây Nguyên bị đốn hạ, bức hại. Ở Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, nhiều cánh rừng thông biến mất. Có những cánh rừng ngay trong vùng dân cư đông đúc, gần sát trụ sở cơ quan chức năng địa phương nhưng không ai hay biết, chỉ khi rừng trơ trụi thì… sự đã rồi.
Luật sư Tuấn cho rằng lực lượng chức năng sẽ khẩn trương thống kê thiệt hại do hành vi “hạ độc” rừng nói trên gây ra, bao gồm cả yếu tố kinh tế, môi trường, quy hoạch, bảo tồn.... Sau khi củng cố hồ sơ, các đối tượng trực tiếp (ken, khoan, chặt gốc đổ hóa chất) và gián tiếp (chủ rừng, cán bộ kiểm lâm…) liên quan tới những hành vi vi phạm nói trên cần phải sớm bị xem xét, xử lý theo các tội danh “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 178 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
Trong khi đó, Điều 179 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định rõ:
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Việt Nam rừng vàng biển bạc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chú trọng đến vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường, tích cực "trồng cây - trồng người" và khuyến khích toàn dân chung tay tạo dựng môi trường xanh. Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
“Người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan (cả yếu tố trong nước và ngoài nước) cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các luật như Luật Bảo vệ môi trường (Luật số 72/2020/QH14, ngày 17 tháng 11 năm 2020), Luật Lâm nghiệp (Luật số 16/2017/QH14, ngày 15 tháng 11 năm 2017), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Luật số 29/2004/QH11, ngày 03 tháng 12 năm 2004), Luật Đất đai năm 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013)…”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.
Nhận xét
Đăng nhận xét