Gỗ từ rừng tự nhiên được chuyển về trung tâm huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Bằng nhiều biện pháp, chúng tôi đã được thăm kho xưởng của các đầu nậu và không khỏi choáng ngợp trước kho lâm sản khổng lồ vừa được bày công khai, vừa được cất giấu lén lút từ nhà bếp đến nhà vệ sinh.
"Bao" chuyển gỗ về tận nhà
Từ Hà Nội, chúng tôi dành nhiều thời gian liên lạc với Nghĩa, một tay buôn hàng nghiến thứ thiệt ở Sìn Hồ. Nghĩa khoe đủ các mặt hàng từ gỗ như thớt nghiến, nu nghiến, gỗ lũa dổi, gù hương đỏ, tùng la hán, kháo đá… loại nào cũng có.
Với thâm niên hàng chục năm thu mua, chế tác và buôn bán gỗ quý, Nghĩa khẳng định có "rất nhiều mối quan hệ" nên mới có thể tồn tại một xưởng gỗ giữa trung tâm thị trấn đông đúc của huyện Sìn Hồ.
Các "trùm buôn" giới thiệu việc vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh
Hơn nữa, "uy tín" của tay buôn còn được Nghĩa thể hiện với lời hứa bao vận chuyển gỗ về tận nhà.
"Gửi hàng qua bưu chính đi vẫn rẻ mà an toàn, kê cao gối mà ngủ hơn. Ví dụ, anh lái xe lên chở xe tải mất 6 triệu tiền xăng xe phí tổn, chỉ chở dược 4 tấn gỗ. Tôi đem tiền đó ra bưu cục mỗi lần gửi vài tạ hàng, mấy chốc được 5 tấn. Giá cước không đắt bằng chi phí đánh xe lên", Nghĩa tiết lộ cho chúng tôi về việc vận chuyển gỗ tự nhiên qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh.
Với những câu chuyện của một "gà con" mới chập chững bước vào nghề và mong muốn có quan hệ làm ăn lâu dài, Nghĩa tích cực chỉ từng đường đi nước bước cho phóng viên như trước khi làm phải "phát quang đường", "đi đêm" với lực lượng liên quan, nhất là lực lượng ở địa phương. Rồi Nghĩa mời chúng tôi "hôm nào đi du lịch lên Sìn Hồ chuyến cho biết nhà biết cửa".
Đúng hẹn, sau khoảng 10 giờ di chuyển từ Hà Nội, nhóm phóng viên có mặt ở nhà Nghĩa. Đã có mối liên hệ từ trước Nghĩa không ngần ngại dẫn chúng tôi đi thăm các kho chứa gỗ và xưởng.
Theo những hình ảnh chúng tôi ghi lại được, ngay trước cổng nhà Nghĩa chồng 4 chiếc thớt nghiến được trùm chăn, với đường kính từ 35 đến 50cm. Những chiếc thớt này Nghĩa cho biết vừa nhập về, đều là mặt hàng xịn, chất lượng, đẹp không nứt, không có bất kỳ lỗi nào.
Riêng chiếc thớt 50 cm, dày 10cm nhập về giá 700.000 đồng. Theo Nghĩa, người khai thác gỗ đưa về bán vào lúc 1 giờ đến 3 giờ sáng, thời điểm vắng người.
Tiếp đó Nghĩa dẫn phóng viên qua phòng khách của gia đình trưng bày rất nhiều lục bình, nu, đôn gỗ với nhiều loại gỗ khác nhau, chủ yếu là nghiến, sến. Nghĩa chỉ tay vào một bộ lục bình vừa chốt bán với giá 18 triệu đồng, đang chờ ngày chuyển.
Sau khi giới thiệu về các mặt hàng mình có, Nghĩa dẫn phóng viên vào phòng bếp, nơi có chiếc bàn bằng gỗ nghiến rộng hơn 1m, dài khoảng 3m, dày 30cm, trong góc bếp bên bàn ăn lớn là khoảng 50 chiếc thớt 35 - 40cm được bọc bằng túi bóng xếp thành 5 chồng lên nhau quá đầu người. Đây đều là hàng thô, chưa qua xử lý, có khách mua phải gia công mới chuyển đi bán được.
Vẫn chưa hết, Nghĩa dẫn phóng viên vào phỏng ngủ khép kín, bên trong có nhà vệ sinh rộng khoảng 2m2. Cánh cửa rất khó mở, bởi bên trong là hai chồng thớt kích thước 40cm với khoảng 40 chiếc xếp chồng lên nhau cao khoảng 2m.
Sau khi đưa phóng viên xem hết "lâm sản" trong nhà, Nghĩa tiếp tục dẫn chúng tôi đến một điểm được cho là kho chứa gỗ mới nhập về. Kho này được quây bằng gỗ và tôn đơn giản, bên trong có gắn camera theo dõi, với hàng trăm chiếc nu, bừu gỗ nghiến, trai, kháo đá, tùng la hán, sến… được thu mua theo cân (kg).
Sau khi dùng vòi xịt công suất lớn xịt bay hết vỏ cây, số gỗ mua theo cân sẽ được chế tác rồi chuyển đến kho chứa khác cách nhà Nghĩa khoảng 200m. Trên đường dẫn phóng viên đến thăm kho chứa hàng thành phẩm Nghĩa đứng cạnh một khúc gỗ lớn giới thiệu đây là tùng la hán, một loại gỗ quý hiếm có giá tiền tỷ.
Gỗ thành phẩm sau đó sẽ được Nghĩa thuê quảng cáo trên mạng xã hội một cách công khai. Theo quan sát của phóng viên, trong kho có hàng trăm hiện vật là nu, lục bình, tượng… bằng gỗ đã chế tác xong, bên cạnh kho là chồng những tấm bìa cát tông được cất để đóng gói các sản phẩm gỗ trước khi gọi cho đơn vị vận chuyển đến nhận hàng.
Nghĩa thuyết phục chúng tôi: "Gửi qua bưu điện không cần phải giấy tờ đi kèm xe gỗ … Cứ bỏ đó, vào áp (App - ứng dụng của đơn vị bưu chính – PV) lên đơn, xe của đơn vị vận chuyển tự đến bốc đi. Bây giờ gửi có khi chiều mai khách ở Hà Nội nhận được hàng tận tay, giao tận cửa nhà rồi".
Rời nhà Nghĩa chúng tôi đến kho của một "ông trùm" khác ở trung tâm Sìn Hồ. Người nay tên là Biên, có tên trong giấy tờ trúng đấu giá mà tài xế tố cáo thường xuyên gửi hàng qua xe chuyển phát nhanh.
Có mặt tại nhà Biên, chúng tôi chứng kiến lượng gỗ còn lớn hơn xưởng của Nghĩa, trong xưởng lúc nào cũng có nhiều công nhân đục đẽo, chạm khắc gỗ lũa, đội ngũ 2 nhân viên thường xuyên rao bán trực tiếp trên mạng xã hội. Các đơn hàng được chốt sẽ đóng cũi, rồi xe tải chở hàng chuyển phát đến bốc hàng.
"Ở đây, bọn tôi lấy cây rừng đóng nguyên đai nguyên kiện gửi qua bưu điện, đi khắp nơi. Ai nhận hàng, bị gẫy vỡ gì chúng tôi chịu trách nhiệm", Biên huỵch toẹt với chúng tôi.
Người này tiếp tục quảng cáo thớt nghiến vùng Sìn Hồ "chuẩn, toàn núi đá, nghiến cứng kinh khủng lắm, cắt khúc dày 5 phân, đổ nước vào đỏ au miễn chê".
Bùa hộ mệnh và bí quyết buôn hàng cấm nhiều năm
Để tồn tại nhiều năm mà chưa bị lực lượng chức năng xử lý Biên tiết lộ không gửi hàng gỗ qua xe khách. Biên giải thích: "Đa số tôi chuyển qua bưu điện họ mang đến tận nhà, chứ gửi xe đến Mỹ Đình người mua phải mất công ra lấy, hàng này gửi xe ít người dám nhận lắm, toàn đóng kiện hẳn hoi rồi gửi qua chuyển phát".
Phóng viên ngỏ ý tiện chuyến lên chơi chở bằng xe cá nhân luôn, Biên liền cản và nói nước đôi rằng gửi bưu điện giá tầm 6.000đồng/kg, gỗ càng nặng giá càng rẻ và nhận hàng tận nơi chứ dại gì mà tự chở không may bị phát hiện, người ta xì (báo lực lượng chức năng) là mất cả gỗ lẫn tiền.
"Xe tự chuyển thì tôi cũng có giấy tờ cho chuyển đấy, không vấn đề gì đâu, tôi sắp xếp cho. Còn đi chơi mà lấy thì giấy tờ tôi lo cho" - Biên nói về hồ sơ trúng đấu giá, chính là bùa hộ mệnh cho các chuyến xe chở gỗ lậu về xuôi.
Đây cũng chính là mánh khóe được Nghĩa nhắc với chúng tôi: bộ hồ sơ trúng đấu giá gỗ là bức bình phong để lợi dụng năm này qua năm khác. Nghĩa nói: "Một cái giấy cách đây vài năm mình gửi, giờ đóng một con xe lên đây mất từ 8 đến 10 triệu, rẻ cũng phải tầm 6 triệu tiền xe, mỗi xe chở từ 3 - 4 tấn, có giấy nhưng đụng vào một phát là có vẫn cứ dính chưởng, chứ giờ chuyển 2 - 3 tạ một lần thì mấy bằng một xe 5 tấn. Như thế mình còn ngủ ngon".
Đó là "công tác" vận chuyển hàng cấm đến tay người tiêu dùng. Còn việc tàng trữ gỗ lậu với số lượng lớn, nhiều năm mà không bị xử lý thì Nghĩa dùng chiêu: không có kho, ra nhà rồi bốc lên phát đi ra tỉnh luôn, để ở kho khác gì "ôm bom" chờ nổ.
Trong quá trình "hướng dẫn" chúng tôi, Nghĩa không ít lần nói phải làm "quan hệ" mới tồn tại được. Những câu chuyện "đóng luật" của Nghĩa nói sẽ được tiếp tục xác minh thêm nhưng chúng tôi cũng chứng kiến chuyện Nghĩa "điều" lực lượng của một cơ quan khác đến hỗ trợ vận chuyển gỗ cho mình.
Ngắt giữa câu chuyện với chúng tôi, Nghĩa gọi điện cho một người được cho là làm tại Điện lực huyện Sìn Hồ để nhờ đưa xe cẩu đến cẩu gỗ về xưởng. Quả thật, sáng hôm sau chúng tôi chứng kiến xe cẩu của ngành điện lực cùng một số người mặc đồng phục điện lực cẩu gỗ đưa về xưởng cho Nghĩa.
Hoặc vào chiều 14/1, chúng tôi cũng ghi lại hình ảnh hàng chục người đến xưởng của N vận chuyển một gốc gỗ dổi đã được chạm khắc, chủ nhân của gốc cây này cách nhà Nghĩa khoảng 300m.
Trong vai một người dân địa phương có bộ hồ sơ trúng đấu giá gỗ muốn gửi gỗ qua bưu điện, phóng viên đến Hạt Kiểm lâm tìm hiểu để được hướng dẫn làm hồ sơ, tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ, một cán bộ cho biết: Thớt nghiến thuộc loại hàng quý hiếm. Nếu mà là gỗ không có giấy tờ thì sẽ bị bắt, một là bên Kiểm lâm hai là bên Công an nếu không có giấy tờ sẽ bị bắt và xử phạt, chỉ một cái thớt thôi cũng đã bị xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng một hành vi rồi, vi phạm lần 2 xử lý hình sự, nếu gửi xe khách bị phát hiện sẽ tạm giữ xe.
Đón đọc Bài 3: Tận thấy gỗ quý vận chuyển bằng xe chuyển phát nhanh đến tay người tiêu dùng
Nhận xét
Đăng nhận xét