Các doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền, nhất tại miền Trung và miền Nam, nơi có nhu cầu rất lớn về giao dịch gỗ “sạch”, tức gỗ có lý lịch rõ ràng - một trong những điều kiện để xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EVFTA.
Lợi thế kép
Nguyên liệu gỗ luôn là bài toán các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tính đến. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% (xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021). Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản..
Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đặc biệt là tại Hoa Kỳ và EU (hai thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) khiến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hai thị trường này sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022.
Sang quý IV, đơn hàng tiếp tục sụt giảm khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021.
Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gỗ sang EU khoảng 700-800 triệu USD. Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm, như vậy thị phần của Việt Nam hiện mới khoảng 1%, còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Mặc dù hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng này thấp, khoảng từ 0-6%, việc xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đã tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của ta tiếp cận hơn nữa với thị trường EU. Cụ thể, có 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0%.
Nhưng điều thuận lợi nhất với doanh nghiệp nước ta là tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định EVFTA không quá chặt. Đối với nguyên liệu gỗ nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số, hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%. Tuy nhiên, một số mặt hàng gỗ như gỗ tấm để làm lớp mặt hoặc làm gỗ dán, ván gỗ tạo gần và gờ dạng chuối hạt, hòm, hộp thùng hình… có tiêu chí xuất xứ là công đoạn gia công chế biến cụ thể.
Hơn thế nữa, EVFTA đã giúp các doanh nghiệp tranh thủ được về công nghệ sản xuất và quản lý, máy móc thiết bị của EU, được xem là có trình độ cao nhất thế giới hiện nay. Các loại máy móc thiết bị của EU khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu thuế 20-30%, nhưng EVFTA đã giúp giảm thuế, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị.
Như vậy, lợi thế kép về thuế xuất đối với sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu máy móc theo EVFTA sẽ giúp khả năng cạnh tranh của ngành gỗ nước ta rất lớn tại thị trường EU.
3 nhóm giải pháp cho nguyên liệu gỗ
Song bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là nguyên liệu gỗ. Hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ đang bị giảm do các doanh nghiệp có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc nguyên liệu gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng.
Trong khi đó nguyên liệu gỗ trong nước phải giải được bài toán làm sao sử dụng được cả gỗ lớn và gỗ nhỏ, cả gỗ cành ngọn và gỗ thân. Gỗ thân dùng cho ngành công nghiệp chế biến ra các sản phẩm lớn, còn gỗ cành ngọn chủ yếu dùng làm dăm, MDF và viên nén (làm chất đốt, phân vi sinh...). Nhưng thị trường về dăm và MDF hiện nay cũng đang bị giảm. Chính vì vậy để có hiệu quả cao nhất trên một diện tích rừng đối với doanh nghiệp sản xuất gỗ thì phải bán được hết các phần của cây gỗ từ thân đến ngọn.
Chính vì vậy, việc giải quyết nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta hiện nay là rất quan trọng. Theo các chuyên gia, có 3 nhóm cơ bản có khả năng giải quyết bài toán nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu, gồm: (i) Mở rộng diện tích rừng trồng; (ii) Nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; và (iii) Sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả, bền vững.
Về mở rộng diện tích trồng rừng: Hiện có nhiều loại đất có khả năng mở rộng diện tích rừng trồng, nhưng qua khảo sát thực tế, chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình liên kết đã và đang vận hành có hiệu quả. Chính quyền ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa… đã quan tâm và thực sự vào cuộc quản lý và hỗ trợ các mô hình liên kết này. Nhưng điều cần nhất hiện nay, là có các cơ chế, chính sách cụ thể để “luật hóa” các mô hình liên kết này.
Đối với nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, cần có những nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ chế biến gỗ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài cây keo và cây cao su, mỡ, bồ đề đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến, doanh nghiệp đang mong chờ sự vào cuộc của các nhà khoa học lâm nghiệp trong nghiên cứu trên thực địa nhằm đánh giá tính hiệu quả của một số loại cây như cây xoan đào, keo hoa vàng, cây teak, …
Cuối cùng, vấn đề sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững, bên cạnh nỗ lực đổi mới công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị nhà nước có chính sách xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền, nhất tại miền Trung và miền Nam, nơi có nhu cầu rất lớn về giao dịch gỗ “sạch”, tức gỗ có lý lịch rõ ràng - một trong những điều kiện để xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EVFTA.
Nhận xét
Đăng nhận xét