Lô gỗ sưa trăm tỷ tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sắp được mang ra đấu giá lần thứ 5. Lô gỗ sưa ban đầu được định giá khoảng 146 tỷ đồng, ở những phiên đấu giá tiếp theo còn khoảng 100 tỷ đồng nhưng không ai mua. Hiện, nhiều nơi ở Hà Nội vẫn có những “cụ” sưa có tuổi đời hàng chục năm tuổi và có đường kính tương đương với cây sưa ở thôn Phụ Chính.
Đình làng Quán Giá (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức) có 3 cây sưa cổ thụ. Sau khi một nhánh lớn của cây sưa bị cưa trộm, để bảo vệ “khối vàng lộ thiên” này, người dân địa phương đã lập chốt bảo vệ 3 cây sưa. Theo người dân địa phương, ở đình này trước đây đã bán 1 cây sưa giá hơn 8 tỷ đồng, số tiền này sau đó dùng để tu bổ đình.
Theo người dân địa phương, trong 3 cây sưa, cây to nhất đã khoảng hơn 100 năm tuổi, có đường kính hơn 1m và cao hơn 15m.
Người dân nơi đây cho biết, trước kia những người buôn bán gỗ đến trả giá 3 cây sưa trên 60 tỷ đồng.
Cây sưa có chiều cao khoảng gần 15m, thân cây có đường kính khoảng gần 1m, người dân trong làng phải đổ bê tông vào bên trong để bịt lỗ hổng, tránh mối mọt.
Cây sưa sát cổng đình có cành chết khô.
Núi Nùng trong Công viên Bách Thảo (quận Ba Đình) được mệnh danh là “núi triệu đô” bởi trên gò đất nhân tạo này có hàng chục cây sưa đỏ quý hiếm.
Tất cả các cây sưa ở đây đều được quấn dây thép gai xung quanh và đánh số theo dõi để tránh “sưa tặc”.
Mỗi cây sẽ có một mã QR riêng, bao gồm các thông tin như: đường kính gốc, chiều cao cây, độ rộng tán, vị trí cây.
Cây sưa có đường kính lớn nhất khoảng 75cm, nhỏ nhất là 10cm
Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Những cây sưa đỏ tại vườn Bách Thảo không chỉ là nguồn gen quý của Hà Nội mà còn của cả nước. Hạt của chúng còn được đem về Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tam Điệp (Ninh Bình) để trồng
Quanh khu vực Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) có hàng chục cây sưa đỏ cổ thụ quý hiếm.
Theo quan sát của PV, cây lớn nhất có tuổi đời trên 100 năm đã chết khô. Bà Hoa là thợ chụp ảnh ven hồ cho biết: “Trước kia thấy một số cây đeo biển nhưng sau đó đã được gỡ biển. Cây lớn nhất trước kia có biển ghi cây sưa đỏ trên 100 năm tuổi. Năm 2019, cây có dấu hiệu khô héo, đến nay cây đã chết khô, không còn sự sống”.
Cây cao hơn 10m, đường kính gốc khoảng 70cm, một vòng tay người lớn ôm không xuể và tán cây tỏa rộng.
Phần thân gỗ khô, lớp vỏ bong tróc.
Trong Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa) cũng có rất nhiều “cụ” sưa đỏ quý hiếm. Mỗi cây có chiều cao từ 15 – 20m, đường kính khoảng 50cm. Các cây được đánh số thứ tự và luôn có bảo vệ trông coi.
Nhận xét
Đăng nhận xét