Hàng loạt cơ sở mộc, chế biến gỗ, dăm gỗ, viên nén tại Gia Lai ra đời gây thách thức không nhỏ đến sự an toàn của rừng.
>>Vỡ nợ doanh nghiệp bất động sản: Có còn "giọt nước tràn ly"?
Doanh nghiệp tự lập lý lịch gỗ, cơ quan chức năng khó kiểm tra
Câu chuyện diễn ra ở vùng biên giới Ia Grai mới đây khi một cơ sở kinh doanh dăm gỗ đặt trái phép ngay bìa rừng để thu mua gỗ. Ngay sau đó, vụ việc bị phanh phui thì UBND huyện Ia Grai mới có yêu cầu chủ xưởng phải khẩn trương tháo gỡ. Điều đáng nói hoạt động xây dựng nhà xưởng cùng với lắp đặt thiết bị diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị xã, huyện kiểm tra nhắc nhở.
Vị trí xây dựng nhà xưởng trái phép này nằm ngay cửa rừng, khiến những cánh rừng tự nhiên xung quanh có nguy cơ bị xâm hại. Theo ông Ngô Khôn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ia Pếch thông tin nhà xưởng thu mua gỗ, củi, đặt ngay cửa rừng là của Công ty lâm nghiệp Phố Núi làm chủ có địa chỉ tại phường Trà Bá thành phố Pleiku.
Theo ông Đinh Ích Hiệp - Hạt Kiểm lâm Ia Grai thì: “Doanh nghiệp này họ thu mua lâm sản theo Thông tư 27 /2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Doanh nghiệp tự làm bảng lý lịch nguồn gốc gỗ và tự chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Và thêm nữa, hàng tháng hàng năm họ không gửi báo cáo cho lực lượng kiểm lâm để thực hiện việc giám sát truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là một điều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương”.
Tại xã Hải Yang huyện Đăk Đoa tỉnh Gia Lai, hàng loạt cơ sở mộc mọc lên như một hiện tượng nấm mọc sau mưa. Nhiều xưởng cho biết chỉ chế biến gỗ Nam Phi, nhưng những phụ kiện của bàn ghế, phản, hay giường tủ lại được làm từ gỗ Việt. Vậy nguồn nguyên liệu từ đâu, đây là một câu hỏi rất khó trả lời.
Dạo qua các showroom của các Công ty nội thất lớn tại Gia Lai, Kon Tum thì một số mặt hàng như bàn ghế phòng khách, tủ, giường cũng được kết hợp gỗ tự nhiên với gỗ nhập khẩu hoặc gỗ công nghiệp đã qua xử lý. Vậy gỗ tự nhiên khai thác có nguồn gốc từ đâu? Ai giám sát lý lịch gỗ của các doanh nghiệp? Đây cũng chính là băn khoăn của nhiều lực lượng chức năng trong việc giám sát các cơ sở, doanh nghiệp thực thi pháp luật về lâm nghiệp.
Phó mặc rừng cho sự trung thực của doanh nghiệp
Đây cũng là câu chuyện chung của rất nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên. Bởi theo một thông tin từ nhiều kiểm lâm từ địa phương thì doanh nghiệp hoạt động thu mua lâm sản từ gỗ tự lập lý lịch và không báo cáo địa phương, nên việc giám sát nguồn gốc rất khó. Nhiều khi có sự “nhập nhèng” giữa gỗ vườn, gỗ rừng tự nhiên và gỗ rừng trồng. Chính vì thế mà doanh nghiệp không thật thà, chỉ chăm chăm làm giàu từ rừng thì rừng cũng chỉ còn sống ở “báo cáo”.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, toàn vùng Tây Nguyên có 2.747.118ha đất có rừng; trong đó 2.526.804ha rừng tự nhiên; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 52,39%. Đến năm 2020, diện tích đất có rừng toàn vùng 2.574.253ha; trong đó rừng tự nhiên 2.115.473ha; tỷ lệ độ che phủ rừng 46,41%. Như vậy, trong vòng 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm 411.331ha, bình quân mỗi năm giảm 41,1 nghìn héc-ta; kéo theo tỷ lệ độ che phủ rừng giảm 5,98%. Trong đó, các tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp như Đắc Nông đạt 38,06%; Đắc Lắc đạt 38,75%. Báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trong năm 2021, rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên tiếp tục giảm hơn 12 nghìn héc-ta.
Tuy nhiên, năm 2022 cả nước ghi nhận diện tích rừng bị thiệt hại là 1.121,9 ha, giảm 56,9% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 41,4 ha, diện tích rừng bị chặt, phá là 1.080,5 ha.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê thì ngành Lâm Nghiệp trong năm 2022 sản lượng gỗ khai thác đạt 19,7 triệu m3, tăng 7,2%; sản lượng củi khai thác đạt 18,6 triệu ste, tăng 0,1%.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Kiểm lâm khu vực 4, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ hiện có 1.876 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó có 591 doanh nghiệp và 1.285 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ với tổng công suất chế biến trên 5,7 triệu m3 năm.
Và ngoài ra Kiểm lâm vùng 4 còn ghi nhận tại khu vực Tây Nguyên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật tập trung tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, Lăk, Krông Buk, Ea H'Leo và M Đrăk thuộc tỉnh Đăk Lăk; Đăk Glong, Đăk Song, Tuy Dức thuộc tỉnh Đăk Nông; Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng; Kbang và Chư Păh thuộc tỉnh Gia Lai; Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Kon Plông thuộc tỉnh Kon Tum.
Điều này cho thấy rừng vẫn bị xâm phạm, mà chưa có biện pháp quản lý rõ ràng nguồn gỗ đầu vào ở tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ông Hà Công Tài – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 4 cũng cho hay: “Đơn vị cũng đã nắm bắt những tồn tại và đi khảo sát thực hiện Thông tư 27/2018/TT - BNNPTNT tại Gia Lai nhưng chưa có báo cáo cụ thể”.
Còn với địa phương được nêu tên như huyện Chư Păh, ông Nay Kiên – Chủ tịch UBND huyện từng cho biết trong lần trả lời phóng viên về việc di thực cây trắc: “Việc thực hiện thông tư thì thì thông thoáng về mặt hành chính nhưng lại gây khó khăn cho địa phương giám sát việc thực hiện lập lý lịch gỗ. Nếu họ không trung thực, cây rừng mà cứ khai cây nhà thì chúng tôi cũng không biết giám sát, xử lý làm sao?”.
Để giải quyết vấn đề vướng mắc của Thông tư 27, một Thông tư mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo để đảm bảo những yêu cầu khắt khe trong quản lý lâm nghiệp và yêu cầu của các thị trường Châu Âu, Mỹ.
Nhận xét
Đăng nhận xét