Được Nhà nước cho thuê đất rừng để thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su, nhưng 13 năm qua, doanh nghiệp đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi tình trạng phá rừng, lấn chiếm và sử dụng đất trái phép cùng với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ.
Càng gồng mình cầm cự, doanh nghiệp càng lao đao. Cố giữ rừng, giữ đất thì cũng không thể giữ vì quyền hành không có. Trong khi cao su và cây rừng đã trồng, dù kém phát triển cũng không thể bỏ. Rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, “bỏ thì thương, vương thì tội”, nợ thuế Nhà nước nhiều năm… doanh nghiệp đành kêu cứu.
Ngày 07/07/2009, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy, thành phố Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 698 ha đất tại tiểu khu 248 và 264 thuộc xã Ea Lê, huyện Ea Súp để trồng rừng, trồng cao su cùng với quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng ngay tại thời điểm đó, trên 698ha đất dự án thì đã có hơn 200ha bị 68 hộ dân địa phương xâm chiếm. Khi ấy, để “thu hồi” được đất về cho mình, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy mới thỏa thuận, hỗ trợ được cho 41 hộ dân với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trên diện tích khoảng 140ha. Phần diện tích còn lại, công ty chưa thể hỗ trợ được vì người dân không chịu đến nhận và vì họ kê khai diện tích lớn hơn thực tế. Vì thế, những hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ đã lôi kéo người quen tiếp tục chặt phá rừng, lấn chiếm đất trong vùng dự án của công ty. Và đến nay, trong vùng dự án của công ty, chủ yếu là tiểu khu 248 thuộc địa bàn xã Ea Lê, người dân đã ngang nhiên xây dựng khoảng 127 nhà ở và lán, trại, đồng thời phá rừng, lấn chiếm, sử dụng trái phép nhiều diện tích để trồng nhiều loại cây lâu năm như: xoài, điều v.v… và các loại hoa màu.
Ông Ngô Đình Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy cho biết: “Một vấn đề rất là nhức nhối đối với doanh nghiệp của tôi đó là nạn người dân bao chiếm, lấn chiếm đất, rừng của dự án. Tức là khi công ty chúng tôi được nhận bàn giao đất ngoài thực địa thì hiện trạng là đất rừng và đất không có rừng. Nhưng mà thực tế là đã bị người dân lấn chiếm và đã bao chiếm từ rất lâu. Khi chúng tôi đưa máy móc vào khai hoang đều bị người dân ra ngăn cản, chống đối”.
Đất và rừng được Nhà nước cho thuê để làm dự án bị lấn chiếm, sử dụng bất hợp pháp nhưng doanh nghiệp lại không có thẩm quyền bắt giữ người và xử lý vi phạm, mà chỉ có thể tuyên truyền, vận động đối với các đối tượng chặt phá rừng, lấn chiếm và sử dụng đất rừng trái phép; lập hồ sơ ban đầu rồi báo cáo cho chính quyền địa phương ngăn chặn theo thẩm quyền. Nhưng ngay cả việc lập hồ sơ ban đầu cũng rất khó khăn. Bởi đối tượng chặt phá rừng, lấn chiếm và sử dụng đất trái phép bất hợp tác, thậm chí có không ít người còn có hành vi chống đối, chống trả quyết liệt lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Và khi ấy, doanh nghiệp cũng chỉ biết trông chờ vào chính quyền và các cơ quan pháp luật xử lý.
Lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy cho biết, thời điểm các cơ quan chức năng bàn giao thực địa dự án cho công ty vào ngày 14/7/2009 với diện tích đất và rừng là 698ha thì trong đó đất có rừng là 125,14ha, chủ yếu là rừng nghèo kiệt và đất đã bị lấn chiếm, bao chiếm làm nương rẫy trái phép là 85,4ha. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt phá và đất cũng đã bị lấn chiếm, bao chiếm sử dụng bất hợp pháp. Thậm chí có nhiều diện tích đất còn bị sang nhượng hoặc cho thuê tùy tiện trái pháp luật. Ông Đặng Văn Hoàng, người dân xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lên thuê đất trồng dưa hấu ngay trong vùng dự án của Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy cho biết: “Tôi thuê đất của người Ê Đê ở đây. Rồi cũng có nhiều năm thuê của người Mán, người Nùng. Năm nay thì tôi thuê 8 triệu đồng/ha và chỉ có giấy viết tay. Người ở đây họ cho mình thuê cũng vui vẻ chứ không có gì gây khó khăn cho mình hết. Họ cũng trông cho mình làm rồi đến mùa thì họ lại trồng mỳ… và thu hoạch cũng tốt”.
Như vậy có thể thấy, đất và rừng được Nhà nước cho thuê để làm dự án bị lấn chiếm, sử dụng bất hợp pháp nhưng không có cách gì để ngăn cản hoặc thu hồi thì doanh nghiệp đành thu mình lại và chỉ biết cố gắng sản xuất, kinh doanh trên phần đất chưa bị bao chiếm, lấn chiếm. Vậy là sau 13 năm đầu tư vào vùng đất xã Ea Lê, huyện Ea Súp, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy cũng chỉ trồng được 110ha cây cao su và 40ha cây keo lai, tất cả đều nằm trên phần đất tại tiểu khu 248. Thế nhưng, cao su và keo lai trồng từ năm 2009 đến nay phát triển rất kém. Đã hơn 12 năm mà thân cây cao su chỉ to bình quân khoảng 15cm, cao khoảng 7 mét. Mỗi năm, cây cao su ở đây cũng chỉ cho khai thác được khoảng 5 tháng và sản lượng đạt được cũng chỉ bằng 1/3 sản lượng của cây cao su trồng ở những nơi đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi. Còn cây keo lai, dù trồng thành rừng rồi, nhưng thân cây vừa thấp lại vừa nhỏ, nên tính về mặt giá trị thì hơn 12 năm sau khi trồng, mỗi hecta nếu bán được cũng chỉ có giá khoảng 25 triệu đồng.
“Vào năm 2009, chúng tôi lập dự án để trồng cây cao su, trồng rừng theo lời mời gọi của UBND tỉnh về đầu tư phát triển kinh tế ở những địa bàn khó khăn của tỉnh. Chúng tôi cứ nghĩ là đã có sự khảo nghiệm về việc trồng cây cao su và trồng rừng trên điều kiện lập địa ở huyện Ea Súp, cho nên chúng tôi đã đầu tư trồng cao su và trồng rừng. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi nhận thấy trồng cây cao su không mang lại hiệu quả và trồng rừng thì cũng không mang lại hiệu quả về kinh tế và môi trường vì cây rừng thì cành nhánh phát triển nhiều hơn cái thân”, ông Ngô Đình Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy, hơn 12 năm qua, doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án gần 30 tỷ đồng, trong khi đó nguồn thu về chẳng đáng là bao. Hiệu quả kinh tế và môi trường từ dự án không đạt được như mong muốn nhưng không thể bỏ. Doanh nghiệp ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan”, “bỏ thì thương, vương thì tội”, nhưng đã đầu tư rồi, làm rồi thì cứ phải theo. Bao nhiêu tiền của của doanh nghiệp đều tập trung vào dự án này. Đất đai dự án bị lấn chiếm, nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt, nên doanh nghiệp không thể thực hiện được hoàn chỉnh dự án như cam kết ban đầu là trồng 430,3ha cao su… dẫn đến từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp đã không còn được miễn tiền thuê đất và hiện nay, số tiền thuê đất mà doanh nghiệp đang nợ Nhà nước đã lên đến hơn 3,2 tỷ đồng.
Ông Ngô Đình Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy nêu ý kiến: “Qua đây, tôi cũng xin đề xuất với huyện, tỉnh và Trung ương xem xét, giải quyết những vướng mắc thực tại ở huyện Ea Súp, cụ thể là giải quyết hài hòa việc người dân lấn chiếm, bao chiếm đất rừng trong vùng dự án của các doanh nghiệp. Nếu chúng ta giải quyết được một cách hài hòa thì sẽ đảm bảo về an ninh trật tự, doanh nghiệp chúng tôi cũng đỡ khó khăn. Và nếu phải thu hồi thì chúng ta thu hồi cưỡng chế rồi giao đất về cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới tiến hành sản xuất được. Còn nếu không thu hồi được thì chúng ta nên giao đất lại cho người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế… Thứ hai là đề nghị xem xét miễn hoặc xóa tiền thuê đất bị tính đối với doanh nghiệp đối với diện tích đất không sử dụng được đúng mục đích như dự án được phê duyệt. Lý do nguyên nhân sâu xa đó là bị người dân bao chiếm, lấn chiếm dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện đúng mục đích của dự án chứ không phải là chúng tôi không đầu tư, không phải là chúng tôi không làm”.
Có thể thấy thực trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất vùng dự án trồng cao su, trồng rừng trên địa bàn huyện Ea Súp trong thời gian qua là rất nghiêm trọng. Tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp trên địa bàn cũng diễn ra hết sức phức tạp. Những vấn đề đó đã và đang gây ảnh hưởng bất lợi đối với quá trình sản xuất, kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp và còn làm cho kinh tế, xã hội của địa phương chậm phát triển, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tài nguyên rừng và đất rừng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Thiết nghĩ, địa phương, doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, kiểm kê lại hiện trạng diện tích rừng; xác định thời điểm rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, bao chiếm trái phép từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục cụ thể, kịp thời và phù hợp. Những diện tích đất không còn rừng, không phù hợp với việc trồng rừng, trồng cao su thì Nhà nước có thể cho phép doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp, như: điều, mía, sắn, ngô, đậu và một số loại cây ăn quả, như: mít, xoài v.v… góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, đưa kinh tế của huyện Ea Súp phát triển.
Tây Nguyên
Nhận xét
Đăng nhận xét