Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia trong tháng 11 giảm 38,5% so với tháng 11/2021 và là tháng sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái trong 11 tháng qua.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia trong tháng 11 đạt 10,6 triệu USD, giảm 38,5% so với tháng 11/2021.
Tính chung trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Australia đạt 176,6 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính tới thị trường Australia trong 11 tháng năm 2022, đạt 144,4 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 81,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Australia.
Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất gỗ xuất khẩu trong 11 tháng năm 2022 tới thị trường Australia đều có trị giá tăng, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, còn một số mặt hàng khác cũng được xuất khẩu tới thị trường Australia. Trong đó, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, khung gương đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong 11 tháng năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng và cũng cởi mở với hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu về chứng chỉ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Australia, các doanh nghiệp cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó cần tăng cường nắm bắt thị hiếu khách hàng và chú trọng xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.
Đáng chú ý, với 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) chung là FTA ASEAN - Australia- New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nên dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Australia rất lớn. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt và lộ trình cắt giảm thuế có lợi hơn để áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu.
Nhận xét
Đăng nhận xét