Đại diện UBND tỉnh Bình Dương mang kiến nghị của doanh nghiệp tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương mang kiến nghị của doanh nghiệp tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, diễn ra cả ngày 17/12 tại Hà Nội.
“Báo cáo chúng tôi đã gửi Hội thảo, không muốn đọc lại, chúng tôi muốn cập nhật tình hình của các doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương nói tại Hội thảo chuyên đề 2 phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế.
Diễn biến lao động việc làm không thể dự đoán được khiến ông Tuyên cảm thấy cần phải cập nhật thông tin ngay.
Đầu năm, ông Tuyên nói, Bình Dương thiếu lao động trầm trọng. Lãnh đạo tỉnh phải đi các địa phương để phối hợp với các tỉnh, kêu gọi, thu hút lao động quay lại làm việc. Nhưng từ tháng 6/2022, tình trạng giảm đơn hàng, nên doanh nghiệp giảm giờ làm, rồi bắt đầu cắt giảm lao động.
“Tình hình thay đổi rất nhanh. Từ doanh nghiệp gỗ, rồi sau đó dệt may, da giày ảnh hưởng nặng. Trong đó doanh nghiệp gỗ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp nhập gỗ bạch dương của Nga để sản xuất đang bị vướng vào quy định xuất xứ do tình hình cấm vận Nga của Mỹ...”, ông Tuyên chia sẻ.
Mặc dù tỉnh đã có những giải pháp hỗ trợ người lao động, như chi trả 973 tỷ đồng chi cho người lao động để quay trở lại thị trường, nhưng ông Tuyên lo ngại có thể tình hình còn khó khăn hơn.
“Doanh nghiệp có thể không dám nói thẳng, vì họ ngại đối tác, ngại với ngân hàng... nên chúng tôi tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, gửi tới Trung ương”, ông Tuyên nói.
Cụ thể, danh mục các kiến nghị của doanh nghiệp được ông Tuyên gạch đầu dòng khá chi tiết. Đó là kiến nghị được chậm đóng bảo hiể xã hội để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi; tiếp tục chính sách cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có nguồn hỗ trợ khi người lao động ngừng việc; khoanh nợ, tìm kiếm thị trường mới...
“Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị hạn chế thanh tran, kiểm tra trong giai đoạn này. Vừa rồi, vì có một số vụ cháy nổ, nên thanh tra, kiểm tra phòng cháy chữa cháy rất căng thẳng”, ông Tuyên gửi thông tin tới Hội thảo.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; Giữa các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chia sẻ để điều tiết nguồn lao động từ nơi cắt giảm đến nơi còn nhu cầu...
Đồng Nai cũng có tình trạng tương tự, khi nhiều doanh nghiệp phải xây dựng các phương án như giảm chi phí sản xuất, tạm dừng tuyển dụng lao động, bố trí cho người lao động ngừng việc… Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, hiện đã có trên 24.000 lao động trên địa bàn tỉnh mất việc làm, bị ngừng việc hoặc phải tạm hoãn hợp đồng.
TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm thừa nhận tình hình phức tạp, khó khăn của một bộ phận lao động, tuy ông cho rằng đây không phải vấn để chung của thị trường lao động.
Chúng tôi nắm được các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây không phải là của cả thị trường lao động. Thị trường lao động gắn chặt với sự phục hồi của doanh nghiệp, nên hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng”, ông Bình chia sẻ quan điểm, bên cạnh những cam kết sẽ tập trung giải quyết các chính sách an sinh xã hội, nhất là chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc.
Đặc biệt, ông Bình lo ngại tới các khu vực lao động không chính thức. "Làm thế nào tăng nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, vì người lao động mất việc có thể quay về địa phương, nhất là khi Tết gần đến. Tôi đã đến Bình Dương, trao đổi người lao động, có tình trạng người lao động được giới thiệu việc làm, nhưng họ từ chối muốn về quê, sắp Tết rồi", ông Bình cung cấp thêm thông tin.
Tham gia cùng thảo luận, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp bức tranh doanh nghiệp đáng lo ngại hơn. Theo báo cáo khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh tới đây còn khó.
9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.
“Doanh nghiệp cũng đang rất cố gắng, có giải pháp để không phải sa thải lao động, như không làm thêm, nghỉ luân phiên, động viên lao động nghỉ hết phép, nghỉ tết sớm...”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI chia sẻ.
Đặc biệt, VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch địa bàn, chuyển từ khu vực miền Nam tới miền Trung, để tận dụng nguồn lao động của khu vực này, cả về số lao động tại chỗ và cả chi phí lao động thấp hơn.
VCCI cũng đề nghị các địa phương, chính phủ có sự nhận diện rõ ràng về tình hình lao động của các địa phương đề có những giải pháp căn cơ.
Nhận xét
Đăng nhận xét